Chủ động đầu vào, bao tiêu đầu ra
Đến xã Phạm Ngũ Lão những ngày cuối năm, nơi đâu cũng nghe những câu chuyện xung quanh việc nuôi vịt. Chúng tôi đến thăm Chi hội nghề nghiệp nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão khi các thành viên ai nấy đều hối hả làm việc, người kiểm tra hệ thống máy ấp trứng, người thì vận chuyển vịt giống đi giao cho khách... Trời lạnh nhưng ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi, không khí phấn khởi rộn ràng vì năm nay vịt được giá cao.
Lúc cao điểm, tổ trưởng chi hội nghề nghiệp Ngô Đức Thắng (phải) tiêu thụ 60.000 - 70.000 con vịt giống/ngày cho các thành viên. Ảnh: Thu Hà
"Thời gian tới, tôi và Chi hội nghề nghiệp nuôi vịt sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo việc làm cho thêm nhiều lao động và phấn đấu giữ vững là một địa chỉ uy tín, tin cậy cung cấp vịt giống đồng thời chia sẻ kinh nghiệm để nhiều nông dân có cơ hội làm giàu, góp phần phát triển kinh tế nông thôn mới”. Anh Ngô Đức Thắng |
Anh Ngô Đức Thắng – Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão cho biết: Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão được Hội ND xã thành lập ngày 12/6/2017, trong bối cảnh giá cả thị trường năm 2017 rất bấp bênh. Việc thành lập chi hội nghề nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển thế mạnh nghề chăn nuôi vịt ở địa phương.
Và quả thật, chi hội đã phát triển ngoạn mục. Hiện chi hội nghề nghiệp nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão có 40 thành viên tham gia với diện tích sản xuất là 60ha, đàn vịt sinh sản là 160.000 con.
Ngay từ khi thành lập, Chi hội nghề nghiệp nuôi vịt đã hoạt động theo mô hình hoạt động ba loại hình. Đó là: Chi Hội nông dân – Hợp tác xã – Doanh nghiệp trong một chi Hội ND nghề nghiệp bằng phương thức “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ).
HTX thương mại dịch vụ Phạm Ngũ Lão có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ đầu vào như con giống, thức ăn cho các hội viên trong chi hội nghề nghiệp. Để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, các thành viên trong chi hội đã liên kết góp vốn mua nguyên liệu thô. Sau đó hợp đồng thuê nhà máy chế biến thành thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh cho hội viên.
Trong năm 2019, chi hội đã chế biến và cung ứng cho các hội viên được hơn 12.000 tấn thức ăn chăn nuôi, bình quân đạt 35-40 tấn thức ăn/ngày. So với việc mua cám công nghiệp từ các công ty, cách làm này đã giúp các thành viên giảm được 12 - 15% chi phí đầu tư thức ăn chăn nuôi vịt.
Mặt khác, nhờ làm chủ được nguồn nguyên liệu chế biến, nên chất lượng thức ăn chăn nuôi luôn ổn định, giúp cho các đàn vịt bố mẹ sinh sản đều hơn, năng suất trứng đạt cao, tỷ lệ trứng đủ tiêu chuẩn ấp nở cao, giúp gia tăng thêm lợi nhuận từ 18 - 20%.
Tại HTX tiêu thụ con giống Ngô Đức Thắng do Chi hội trưởng Chi hội nuôi vịt Ngô Đức Thắng làm Giám đốc, anh Thắng cho biết, lúc đó tình hình chăn nuôi trong cả nước gặp nhiều khó khăn, với vai trò là tổ trưởng Chi hội nghề nghiệp, anh vận động hội viên giảm đàn để tránh thua lỗ. Đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, nhận định được khả năng thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực, anh bàn với các thành viên chuẩn bị đủ vốn, nguồn lực để vào vụ mới.
Nhờ đó, đầu năm 2018, Chi hội chăn nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão thắng lớn, giá vịt giống lên gấp 4 - 4,5 lần thời điểm trước đó.
Năm 2019, Chi hội nghề nghiệp nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão tiếp tục bội thu khi giá vịt giống liên tục tăng cao, có thời điểm đạt 20.000 đồng/con; các hội viên trong chi hội thu lãi trên 100 tỷ đồng (lợi nhuận tăng 1,5 lần so với năm 2018). Từ việc sản xuất kinh doanh của chi hội đã tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng /người/tháng.
Nhiều hỗ trợ kịp thời
Bà Nguyễn Thị Tranh – Chủ tịch Hội ND xã Phạm Ngũ Lão cho biết: Nghề chăn nuôi vịt đã có ở địa phương hàng chục năm nay. Tuy nhiên, trước đây các hộ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, ít quan tâm tới khoa học kỹ thuật nên hiệu quả chưa cao. Chi hội nghề nghiệp nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão được thành lập với kỳ vọng sẽ phát triển thế mạnh nghề chăn nuôi vịt ở địa phương.
“Để hỗ trợ chi hội, ngay sau khi thành lập Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh Hưng Yên đã phối hợp Hội ND xã giải ngân 1 tỷ đồng nguồn vốn vay Quỹ HTND do T.Ư Hội NDVN ủy thác cho 10 hộ thành viên trong chi hội nghề nghiệp vay. Theo đó, mỗi hộ được vay tối đa 100 triệu đồng, thời gian vay 2 năm.
Bên cạnh đó, Hội ND cũng đứng ra tín chấp, bảo lãnh với Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các hội viên trong chi hội nghề nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để mở rộng quy mô trang trại. Được Hội ND hỗ trợ, đến nay, Chi hội nghề nghiệp nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão đã có những bước tiến rất nhanh” - bà Tranh thông tin.
Sự thành công của chi hội có đóng góp không nhỏ của “thủ lĩnh chăn nuôi vịt”- Ngô Đức Thắng. Anh Thắng là người đầu tiên đưa vịt về Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão, góp phần hình thành nên nghề nuôi vịt giống của vùng quê này, giúp nhiều nông dân đổi đời. Thu nhập bình quân một năm của gia đình anh vào khoảng 5 tỷ đồng. Không chỉ anh Thắng có thu nhập cao, hàng chục hội viên trong Chi hội nghề nghiệp nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão cũng có thu nhập tiền tỷ trở lên.
Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão, anh Thắng luôn quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho các hội viên của chi hội...
Nhiều chi, tổ hội có thu nhập tiền tỷ Hội ND huyện Khoái Châu có 25 cơ sở Hội, 31.546 hội viên sinh hoạt ở 114 chi hội, trong đó có 3 chi hội và 4 tổ hội nghề nghiệp là: Chi hội nuôi trồng thủy sản - Hội ND xã Hàm Tử gồm 21 thành viên, với diện tích trên 2 mẫu ao, hồ, doanh thu 7 tỷ đồng/năm; Chi hội VAC (Hội ND xã Dân Tiến) gồm 48 thành viên, diện tích 58 mẫu, thu nhập 6,4 tỷ đồng/năm và Chi hội trồng cây có múi (Hội ND xã Dân Tiến) gồm 37 thành viên, diện tích canh tác trên 30 mẫu, cho thu nhập 3,6 tỷ đồng/năm. Tổ hội trồng cây giống Hội ND xã Ông Đình gồm 32 thành viên, diện tích canh tác 28 mẫu, cho thu nhập 3,6 tỷ đồng/năm... Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Chủ tịch Hội ND huyện Khoái Châu Đa dạng hóa mô hình tập hợp nông dân Kết quả xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp góp phần đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của Hội NDVN, đa dạng hóa mô hình tập hợp nông dân, tạo sự gắn kết giữa các hội viên nông dân với nhau, giữa hội nông dân với tổ chức Hội. Thông qua mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp, nông dân được Hội tập trung nguồn lực đầu tư, tiếp cận được khoa học kỹ thuật mới giúp cho hội viên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản… Bà Nguyễn Thị Tranh – Chủ tịch Hội ND xã Phạm Ngũ Lão, |
Theo Thu Hà/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn