Kiểm tra vệ sinh thú y trước khi đưa gia cầm đi tiêu thụ. Ảnh: Bộ NN
Tăng tỷ lệ mắc ung thư, lỗi lớn từ an toàn thực phẩm
Thông tin Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) đưa ra hẳn sẽ khiến nhiều người giật mình khi chỉ tính riêng năm 2014, số trường hợp mắc mới bệnh ung thư đã lên đến 150.000 - 200.000 người, có tới 82.000 người đã tử vong vì ung thư, trong đó 75 - 95% số trường hợp mắc là do yếu tố môi trường, an toàn thực phẩm (ATTP).
Vậy nhưng, những vụ vi phạm về ATTP không những không giảm mà đang có chiều hướng gia tăng với mức độ ngày càng tinh vi hơn. Trong 9 tháng đầu năm 2015, các tổng cục, cục chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức 22 đoàn thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và 33 đoàn thanh tra đột xuất. Kết quả, đã ban hành 1.198 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 21,868 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất vật tư nông nghiệp ngoài danh mục hoặc không đảm bảo chất lượng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, điều kiện vệ sinh nhà xưởng không đảm bảo ATTP,… Trong đó, đáng chú ý là đợt thanh tra đột xuất của Thanh tra Bộ tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, đã phát hiện và xử lý 5 công ty (Công ty CPSX&TM Đại Tín, Công ty TNHH Vimark, Công ty sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên, Công ty TNHH thuốc thú y – thủy sản Cường Phát, Công ty TNHH CPTM và sản xuất Bắc Âu Mỹ) sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cho phép, tiêu hủy tại chỗ 13,3kg hóa chất Vàng-ô (VAT Yellow), tịch thu 20kg chất bột màu trắng không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ…
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, cho biết, số liệu giám sát ATTP nông, thủy sản trên diện rộng 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn cao, một số chỉ số ATTP chưa có sự cải thiện so với năm 2014 (1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng hoặc vượt ngưỡng cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng). Các trường hợp vi phạm đều đã được cảnh báo tới cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất kinh doanh liên quan để tổ chức truy xuất, điều tra xác định nguyên nhân, xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, ông Tiệp cũng thừa nhận một thực tế, công tác quản lý ATTP đối với nông, thủy sản còn nhiều bất cập như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP tuy đầy đủ về số lượng nhưng mỗi mảng, lĩnh vực lại có quá nhiều văn bản dẫn đến khó tra cứu và áp dụng. Tiêu chí VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng còn dàn trải, chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất. Các địa phương chưa chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát ATTP đối với các sản phẩm chủ lực; các quy định hiện hành về chỉ tiêu, mức giới hạn một số chỉ tiêu ATTP chưa đầy đủ với các loại sản phẩm; rất ít địa phương xử lý dứt điểm các cơ sở bị loại C sau 2 lần kiểm tra, chủ yếu mới dừng lại ở việc nhắc nhở, đề nghị khắc phục theo khuyến cáo và tổ chức kiểm tra lại.
Phải xử lý hình sự ngay
Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe đang được coi là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm ATTP ngày càng tăng, mức độ nguy hiểm ngày càng lớn. Đại biểu Quốc hội, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Long An Đinh Thị Phương Khanh nêu một thực tế, rất khó có cơ sở xử phạt các đối tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn vì không thể truy xuất được nguồn gốc. “Theo tôi, trong giấy kiểm dịch thú y phải ghi rõ lô hàng này mua của ai, số lượng bao nhiêu thì khi thử nhanh chất cấm, nếu phát hiện sai phạm còn có cơ sở để xử phạt”, bà Khanh nói.
Ngoài ra, để tăng tính răn đe, theo bà Khanh, cần phải kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự. “Nếu quy định phải ảnh hưởng tới 10 - 20% sức khỏe mới xử lý hình sự” thì luật sẽ không bao giờ đi vào cuộc sống. Người chăn nuôi, thương lái, doanh nghiệp cho chất cấm vào thức ăn chăn nuôi; hay sử dụng hóa chất không có trong danh mục cho phép sẽ không bao giờ nhìn thấy tác hại ngay nhưng đó là cái chết từ từ. Vì vậy, tôi kiến nghị, chỉ cần phát hiện chất cấm có trong sản phẩm là xử lý hình sự ngay”, bà Khanh nói.
Cùng chung quan điểm này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: “Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hay ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ rồi bán cho người khác ăn thì không thể coi là vi phạm hành chính mà đó là tội ác. Vì vậy chúng ta phải đấu tranh một cách quyết liệt với cái ác, tổng kiểm tra gắt gao, xử lý nghiêm vi phạm, tìm ra những cơ sở, đường dây sử dụng chất cấm. Chúng ta đã phát hiện ra 1.000 mẫu dương tính với Salbutamol nhưng khi được hỏi người ta lại bảo mua của người bán dạo là không thể chấp nhận được. Chắc chắn phải có đường dây cung cấp loại hóa chất này”.
Thừa nhận những bất cập trong chế tài xử phạt, Đại tá Trần Trọng Bình nêu một thực tế: Dù Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định về sản xuất, sử dụng hàng cấm nhưng không phải cứ phát hiện buôn bán, sử dụng hàng cấm là xử lý được ngay vì còn có những điều kiện bắt buộc đi kèm (số lượng là bao nhiêu). Điều này có thể dễ với những vi phạm như buôn lậu thuốc lá hay pháo nhưng lại khó xác định với chất cấm trong chăn nuôi. Hay Điều 244 Bộ luật Hình sự quy định vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý khi gây hậu quả nghiêm trọng (có người chết, ngộ độc thực phẩm hàng loạt). Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện nhiều cơ sở sử dụng hàn the làm giò chả hay phoóc-môn trong bánh phở nhưng không thể xử lý hình sự được vì những quy định trên. “Nếu đợi đến khi sử dụng chất cấm gây tử vong rồi mới cấu thành tội phạm thì e rằng quá muộn”, ông Bình nói.
Được biết, từ nay đến cuối năm, Thanh tra Bộ, Thanh tra các Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp với lực lượng C49, Bộ Công an tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện, triệt phá các cơ sở lưu thông, buôn bán Salbutamol và Vàng – ô cho chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật giả, ngoài danh mục.
Khánh Nguyên
Nguồn: kinhtenonghton.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn