Để quy trình sản xuất GAP phát triển cần giảm thu phí chứng nhận và tìm nơi tiêu thụ hợp lý Chi phí chứng nhận GAP còn quá cao Tại Hội thảo "Sản xuất cây ăn trái theo GAP” vừa được tổ chức tại Tiền Giang, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là người nông dân phải đóng khoản phí chứng nhận GAP quá cao, trong khi giá bán bị "đánh đồng” với sản phẩm thường. Theo các chuyên gia, một trong những lý do quan trọng nhất khiến GAP kém phát triển là do chi phí chứng nhận quá cao. Thực tế, thời gian qua có nhiều mô hình sản xuất GAP sau một thời gian xây dựng, nông dân đã xin rút khỏi GAP do chi phí chứng nhận quá cao, chẳng hạn như mô hình sản xuất theo GAP của hợp tác xã vú sữa lò rèn Vĩnh Kim (Châu Thành - Tiền Giang) hay hợp tác xã bưởi Năm roi Mỹ Hòa, (Bình Minh - Vĩnh Long)… Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tính đến năm 2012, tổng diện tích cây trồng ở các tỉnh, thành phía Nam đã đạt được chứng nhận GAP là 10.000 ha, trong đó, khu vực ĐBSCL có khoảng 300 ha đạt chứng nhận này. Thạc sĩ Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục trồng trọt cũng cho hay, "Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích cây ăn trái được chứng nhận GAP của Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng còn rất hạn chế. Riêng ĐBSCL chỉ có 0,14% trên tổng số 288.260ha diện tích cây ăn trái đạt được chứng nhận GAP”. Theo ông Tùng "có trường hợp chứng nhận VietGAP cho bưởi ở Bến Tre, với diện tích chỉ hơn 4ha nhưng chi phí chứng nhận lên đến mấy chục triệu đồng. Điều này là quá sức đối với người nông dân”, ông Tùng chia sẻ. "Để GAP phát triển, nông dân không quay lưng lại với nó thì vấn đề quan trọng nhất bây giờ là không lấy tiền khi chứng nhận, tái chứng nhận cho nông dân, Nhà nước nên "rót” thêm kinh phí, tăng đầu tư cho sản xuất GAP”, TS. Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam đề xuất. Bị đánh đồng với sản phẩm thường Ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang cho biết: "Tiêu thụ trái cây đạt chứng nhận GAP hiện rất khó khăn, chỉ ngang bằng với giá sản phẩm sản xuất bình thường, đó là cái khó cho sản phẩm GAP của Việt Nam”. Kênh tiêu thụ quan trọng nhất cần quan tâm hướng đến trong thời gian tới đối với các sản phẩm VietGAP là hệ thống các siêu thị. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam: "Nên liên kết các doanh nghiệp để tạo thành đầu mối cung cấp sản phẩm GAP, thậm chí các doanh nghiệp trong nước có thể kết nối với nhau để đàm phán trong ký kết với đối tác, tạo ra đột phá về giá bán”. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn tại hội thảo, hiện nay sản phẩm GAP đang "bí” đầu ra, bị đánh đồng với sản phẩm thường nên nông dân không mặn mà với GAP. Trước tình hình này, một vấn đề cấp thiết cần làm ngay là tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm GAP, tạo điều kiện cho sản phẩm này phát triển. LAM HỒNG - QUANG MINH |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn