Diện tích giảm Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định, nếu như năm 2007, diện tích cây vụ đông đạt hơn 18.000ha thì đến năm 2011 giảm còn 13.482ha, trong đó diện tích gieo trồng trên đất hai lúa chỉ đạt 2.680ha, bằng 50% so với vụ đông năm 2010. Diện tích giảm chủ yếu tập trung vào những loại cây có giá trị kinh tế cao như: khoai tây, cà chua, bí xanh, dưa chuột. Vụ đông năm 2012, Nam Định đặt chỉ tiêu gieo trồng 16.000ha, tập trung vào những cây có lợi thế như rau, đậu ngắn ngày, khoai tây, khoai lang, đậu tương, cà chua, bí xanh. Tuy nhiên, tính đến ngày 16/10, tỉnh mới đạt 50% diện tích đề ra theo kế hoạch. Cùng chung thực trạng này, diện tích cây vụ đông của Thái Bình cũng giảm dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2010 diện tích cây vụ đông đạt 38.000ha, năm 2011 giảm còn 36.000ha. Vụ đông năm nay, Thái Bình phấn đấu gieo trồng 40.000ha, tập trung vào đậu tương (8.000 - 8.500ha), ngô (6.500 - 7.000ha), khoai tây (4.500 - 5.000ha)…, nhưng đến ngày 11/10, toàn tỉnh mới xuống giống được 21.610ha. Mỹ Trung (Mỹ Lộc - Nam Định) có 270ha đất nông nghiệp, trong đó có 157ha đất hai lúa, nhưng năm nay, cả xã chỉ trồng được 30ha cây vụ đông. Ông Nguyễn Quý Nghiêm, Phó ban nông nghiệp xã cho biết: “Nguyên nhân diện tích cây vụ đông giảm là do giá đầu vào cao, trong khi giá bán sản phẩm lại bấp bênh. Đó là chưa kể tình trạng thiếu lao động làm nông nghiệp cũng ảnh hưởng đến kế hoạch làm vụ đông của xã”. Bà Trần Thị Kim Hoàn, Trưởng phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Bình cho biết: “Năm nào tỉnh cũng đặt ra kế hoạch gieo trồng 40.000ha cây vụ đông nhưng năm nay khó đạt chỉ tiêu, trong đó diện tích cây đậu tương sẽ giảm mạnh do năm ngoái việc thu hoạch, tiêu thụ không thuận lợi. Theo kế hoạch, diện tích đậu tương phải đạt 8.000ha nhưng đến thời điểm này mới gieo trồng được 5.000ha”. Hỗ trợ nhưng …chưa đủ! Trước những nguyên nhân làm giảm diện tích gieo trồng cây vụ đông, để khuyến kích nhân dân mở rộng sản xuất, nhiều tỉnh, thành phố đã có chính sách hỗ trợ về vốn, giống, phân bón. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân, mức hỗ trợ vẫn còn quá thấp, chưa thu hút được nông dân tham gia.
Sau mấy năm diện tích vụ đông trên địa bàn giảm, ngày 4/10/2012, UBND tỉnh Nam Định có Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất cây vụ đông trên đất hai lúa từ năm 2012 đến năm 2015. Theo đó, các hộ, nhóm hộ nông dân, các cá nhân sẽ được hỗ trợ chi phí mua giống cây đậu tương và cây bí đảm bảo năng suất, chất lượng với mức hỗ trợ 1,95 triệu đồng/ha; với điều kiện cây đậu, bí phải được sản xuất trên đất hai lúa tại các vùng quy hoạch sản xuất vụ đông tập trung và vùng sản xuất tập trung này có diện tích từ 3ha trở lên. Để đấu mối sản phẩm của nông dân đến được với doanh nghiệp, ngày 17/9, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị đánh giá vụ mùa và hướng sản xuất vụ đông, đồng thời mời một số doanh nghiệp tham gia hội nghị để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nhằm khuyến khích các huyện tăng cường diện tích gieo trồng cây vụ đông, ngày 19/7/2012, UBND tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định số 1625/QĐ-UBND về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vụ đông năm 2012. Theo đó, những huyện, thành phố có diện tích cây vụ đông bằng hoặc lớn hơn năm 2010 (năm cao nhất từ trước đến nay) và có giá trị sản xuất không thấp hơn năm 2010 sẽ được hỗ trợ 250.000 đồng/ha, phần diện tích tăng cao hơn so với diện tích cây vụ đông năm 2010 sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/ha, tổng kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 9,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu huyện, thành phố nào có diện tích hoặc giá trị sản xuất năm 2012 thấp hơn năm 2010 thì phải thu hồi tiền đã ứng trước hoặc chuyển nguồn sang năm 2013. Để tháo gỡ khó khăn cho nhân dân khi tham gia trồng cây vụ đông, ông Trần Duy Năng, Phó trưởng phòng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định) cho rằng: “Hiện nay, người dân không mặn mà làm vụ đông vì họ không có lãi. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến diện tích cây vụ đông giảm. Để mở rộng diện tích vụ đông, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ nông dân về giống, phân bón. Đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm tạo đầu ra ổn định cho bà con. Ngoài ra, cần đẩy nhanh cơ giới hóa vào sản xuất để lấp chỗ trống cho sự thiếu hụt lao động. Nếu tháo gỡ được những khó khăn này thì diện tích gieo trồng cây vụ đông mới tăng được”.
Hoàng Văn Nguôn:kinhtenongthon.com.vn | |||||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn