"Việt Nam cần tập trung thúc đẩy việc làm bền vững"
Thứ hai - 22/10/2012 20:08
Ngày 22/10 tại Hà Nội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã thông tin về thị trường lao động châu Á-Thái Bình Dương và tình hình thị trường lao động Việt Nam.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Theo ILO, ước tính một nửa lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay vẫn tham gia vào các hoạt động nông nghiệp năng suất thấp và việc làm không chính thức chiếm khoảng 70% tổng số việc làm.
Việc làm không chính thức phổ biến ở cả khu vực nông thôn và thành thị, chiếm tới gần 70% số lao động phi nông nghiệp ở nông thôn và một nửa số lao động ở khu vực thành thị. Khu vực thương mại có tỷ lệ việc làm không chính thức cao nhất (chiếm 81% ở nông thôn và 63% ở thành thị).
Báo cáo của ILO cũng ghi nhận những bước tiến quan trọng mà Việt Nam đã đạt được như việc ban hành và triển khai chương trình bảo hiểm thất nghiệp, thông qua sáng kiến sàn an sinh xã hội, trong đó Việt Nam cam kết cung cấp sự bảo trợ về thu nhập và các dịch vụ cơ bản cho toàn dân.
Chính phủ Việt Nam cũng đã phê chuẩn công ước về chính sách việc làm và đang nỗ lực xây dựng chính sách việc làm quốc gia, dự thảo Luật Việc làm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam, nam cũng như nữ được tự do lựa chọn việc làm.
Đại diện ILO, ông Phú Huỳnh cho biết, việc làm có mối quan hệ chặt chẽ đến trình độ học vấn. Lao động trong khu vực kinh tế không chính thức có trình độ học vấn thấp hơn so với lao động trong khu vực chính thức. Hầu hết lao động có trình độ đại học đều có việc làm chính thức, trong khi phần lớn lao động có trình độ thấp hơn đều làm công việc không chính thức.
Để nâng cao chất lượng lao động tại Việt Nam, ông Phú Huỳnh cho rằng, Việt Nam cần chú trọng phát triển kỹ năng, thúc đẩy việc làm bền vững. Các đơn vị đào tạo nghề cần giảng dạy những ngành nghề đúng với mục đích, yêu cầu của doanh nghiệp; tăng năng suất, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp để thu hút lao động chất lượng cao. Nhà trường cần cung cấp cho sinh viên không chỉ những kiến thức, mà cả những kỹ năng làm việc; đơn vị đào tạo nghề cần xây dựng giáo trình phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.../.