Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người ngày 23/4, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay cả nước không ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 nào trên người cũng như trên gia cầm, nhưng lại ghi nhận thêm một số trường hợp mắc và tử vong do cúm H5N1 và H1N1. Các chuyên gia y tế cảnh báo, nguy cơ tái tổ hợp giữa các chủng virus cúm sẽ tạo ra chủng virus cúm mới hết sức nguy hiểm. Cúm A/H5N1: Theo ông Phu, từ đầu năm 2013 đến nay đã có 2 trường hợp nhiễm cúm này tại tỉnh Đồng Tháp và Long An, trong đó có một trường hợp tại tỉnh Đồng Tháp đã tử vong. Trường hợp thứ hai mắc cúm A/H5N1 là bệnh nhân nữ 20 tuổi, ở tỉnh Long An. Bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 10/4/2013, kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N1. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Cúm A/H1N1: Đang có diễn biến phức tạp khi mấy tháng đầu năm đã có nhiều trường hợp tử vong vì bệnh này. Mới nhất, theo thông tin mới nhất từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, vào khoảng 5h sáng hôm nay (23/4), một bé gái 12 tuổi (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) vừa tử vong vì nhiễm cúm A/H1N1. Đây là trường hợp tử vong thứ 3 do nhiễm cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ đầu năm đến nay. Cúm H7N9: Trước nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập, lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đã tăng cường tổ chức giám sát tại cửa khẩu, giám sát tại cộng đồng thông qua hệ thống giám sát trọng điểm cúm quốc gia. Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, các cửa khẩu của 6 tỉnh, thành phố trọng điểm là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn đã siết chặt việc kiểm tra từ ngày 10-17/4. Kết quả kiểm dịch y tế tại các tỉnh trên cho thấy tổng số hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam là hơn 35.000 người qua đường không, đường bộ và đường thủy. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chưa ghi nhận trường hợp nào nghi ngờ cúm A/H7N9. Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, ngày 23/4, đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định hoàn toàn làm chủ được năng lực xét nghiệm, trang thiết bị, con người để phát hiện sớm những ca bệnh cúm A/H7N9. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, các bệnh viện tuyến cuối được phân công tiếp nhận, điều trị các ca bệnh nhiễm cúm A/H7N9. Đồng thời, tổng hợp các ca bệnh, đánh giá lâm sàng, phổ biến kinh nghiệm tới các bệnh viện khác, trong trường hợp dịch lan rộng. Cục Quản lý khám chữa bệnh đã rà soát lại các trang thiết bị y tế, thuốc sẵn sàng ứng phó với dịch. Chủ động đối phó với đại dịch Các chuyên gia y tế lo ngại, thời điểm giao mùa này rất thuận lợi để virus cúm biến đổi và nguy cơ biến chủng, tái tổ hợp và gây dịch cao. Giới chuyên môn khuyến cáo, cần cảnh giác cao độ với virus cúm A/H7N9, A/H5N1 và cả cúm thường A/H1N1. Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương cần chủ động, lên phương án kịp thời, coi công tác phòng dịch là khâu trọng yếu, ưu tiên hàng đầu. Công tác giám sát phòng chống cúm A/H7N9, A/H5N1 đang được triển khai sâu rộng tại tất cả các tuyến cũng như tại biên giới, cửa khẩu với phương châm phòng ngừa và giám sát ở mức cao nhất. Các chuyên gia khuyến cáo, những trường hợp sốt cao, khó thở cần đến cơ sở y tế ngay, không được chủ quan để ở nhà. Thực tế, các ca H1N1 biến chứng nặng đều do đến viện quá muộn, mất đi “thời gian vàng” dùng tamiflu là 3 ngày đầu khi có biểu hiện bệnh. Thuốc có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus trong cơ thể, làm bệnh diễn biến nhẹ hơn. Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắcxin để phòng bệnh. Đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng cúm nói chung như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Khi bị cúm thì nên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi. Minh Hải theo vnmedia |