Vụ lúa Hè Thu và lúa Mùa vừa qua khá được mùa. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân sắp tới sẽ có thời tiết ấm, vì vậy bà con nông dân ở miền Bắc nên trồng các giống lúa ngắn ngày. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ NN&PTNT và các tỉnh, thành miền Bắc nhằm triển khai vụ Đông Xuân năm 2012 – 2013. Hội nghị được tổ chức sáng nay, ngày 25/10 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ Hè Thu và vụ Mùa năm nay ở miền Bắc khá được mùa, đưa tổng sản lượng lúa của miền Bắc ở 2 vụ lên gần 14 triệu tấn. Bên cạnh đó, dù chi phí đầu vào tăng nhưng nông dân miền Bắc đã trồng được hơn 350.000 cây trồng vụ Đông, đảm bảo kế hoạch đặt ra. Dự kiến, trong vụ lúa Đông Xuân tới đây, miền Bắc sẽ gieo cấy hơn 1,1 triệu ha lúa – giảm 13 nghìn ha so với vụ Đông Xuân năm nay.
Theo ông Lê Thanh Hải, PGĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, dự báo vụ Đông Xuân tới sẽ là một vụ sản xuất có thời tiết ấm.
“Vụ Đông Xuân năm tới sẽ tương đối ấm, bởi rét đậm sẽ tới muộn hơn so với trung bình. Phải đến tháng giêng, tháng 2 mới có những đợt rét đậm đầu tiên. Và các đợt rét đậm sẽ không kéo dài.:- Ông Hải nói.
Trước tình hình thời tiết ấm, Cục Trồng Trọt khuyến cáo bà con nông dân nên gieo cấy các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao ở trà xuân muộn. Đồng thời, cần mở rộng tối đa các diện tích lúa lai có năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt cho biết: “Vì là vụ Đông Xuân ấm nên sẽ mở rộng diện tích lúa lai. Nhưng sẽ phải cân đối về nguồn cung và giá giống lúa lai. Nếu giá lúa lai đắt thì sẽ cân đối để sử dụng lúa thuần.”
Bộ NN&PTNT cho rằng trong bối cảnh giá lúa và nhiều loại nông sản xuống thấp, giá vật tư tăng cao, thì thu nhập của nông dân đang giảm sút. Vì vậy, trong vụ Đông Xuân tới, các địa phương cần sớm ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể để nông dân và doanh nghiệp xây dựng các mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Đây được coi là giải pháp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Thế Toàn
Ảnh: Ngọc Trường
Nguồn:vtc16.vn