Nhìn Trung tâm thương mại chợ Hội - Cẩm Xuyên khang trang, hiện đại hôm nay, chúng tôi lại nhớ về thời kỳ vất vả, thậm chí, có khi tưởng chừng như chủ đầu tư phải bỏ dở công trình. Vậy nhưng, nhận định tiềm năng của chợ Hội, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Công thương Miền Trung Phạm Anh Tuấn cùng anh em trong công ty đã nỗ lực hết mình, vượt mọi khó khăn để hoàn thành dự án.
Chợ Kỳ Anh hoàn thành, đưa vào sử dụng với quy mô chợ cấp 1 gồm 1.200 ki-ốt, 1 kho đông lạnh 240 m2 và 1.000 m2 chợ trời, phục vụ tốt nhu cầu kinh doanh buôn bán của bà con TX Kỳ Anh. |
Trên diện tích 4,4 ha tại thị trấn Cẩm Xuyên, với tổng vốn đầu tư trên 250 tỷ đồng, đầu năm 2013, Trung tâm Thương mại chợ Hội khang trang được khánh thành, đưa vào sử dụng với trên 1.300 ki-ốt và hệ thống nhà hàng, mặt bằng kinh doanh văn minh, hiện đại. Hiện công ty đang là chợ đầu mối phân phối hàng hóa cho nhiều chợ trong khu vực; là tổng đại lý cấp 1 cho 50 hãng sản xuất hàng hóa trong nước. Xã hội hóa đầu tư chợ Hội đã thực sự làm thay đổi bộ mặt thương mại huyện Cẩm Xuyên.
Chợ TX Kỳ Anh do doanh nhân Bạch Thị Hường – Giám đốc Công ty TNHH XNK Châu Tuấn đầu tư trên 160 tỷ đồng, đưa vào sử dụng cuối năm 2015 cũng là một điển hình về xã hội hóa xây dựng chợ. Mặc dù chưa từng hoạt động trên lĩnh vực này, nhưng hưởng ứng chủ trương của tỉnh, chị Bạch Thị Hường quyết định rẽ sang lĩnh vực kinh doanh mới. Vượt qua muôn vàn thách thức, chưa đầy một năm xây dựng, chợ Kỳ Anh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng với quy mô chợ cấp 1 gồm 1.200 ki-ốt, 1 kho đông lạnh 240 m2 và 1.000 m2 chợ trời, phục vụ tốt nhu cầu kinh doanh buôn bán của bà con TX Kỳ Anh.
Ở TP Hà Tĩnh, nhắc đến HTX Trường Tân là mọi người nghĩ ngay đến nhà đầu tư Nguyễn Văn Sự. Năm 2013, ông quyết định đầu tư trên 6 tỷ đồng xây dựng chợ Trung Đình (phường Thạch Quý) trở thành điểm kinh doanh buôn bán ổn định cho gần 150 hộ trong vùng. Đầu năm 2015, ông Sự tiếp tục nhận xã hội hóa xây dựng chợ Trại tại xã Hộ Độ (Lộc Hà). Trên diện tích gần 6.000 m2, giai đoạn 1, ông đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng 3 đình chợ với tổng diện tích hơn 2.000 m2, 50 ki-ốt và một khu chợ trời diện tích 1.000 m2. Hiện tại, cơ sở hạ tầng đã cơ bản hoàn thành, phấn đấu đưa vào sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân. “Nếu không có gì thay đổi, năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư xã hội hóa chợ Thạch Hạ với quy mô đạt chuẩn theo quy định” - ông Sự chia sẻ.
Người phụ nữ nhỏ bé, tiên phong, quyết liệt trong xã hội hóa xây dựng chợ ở Hương Sơn là chị Lê Thị Mỹ - Chủ nhiệm HTX Chợ Mới Sơn Long. Quản lý chợ Sơn Long cũ gần 17 năm nay, năm 2014, chị đứng ra thành lập HTX, xin đầu tư chợ Mới. Sau khi được chấp thuận, chị vay ngân hàng, anh em, bè bạn và kêu gọi một phần đóng góp của xã viên để lấy vốn đầu tư. Chỉ sau nửa năm xây dựng, chợ Mới Sơn Long với tổng vốn đầu tư 2,8 tỷ đồng trên diện tích 11.000 m2 đã chính thức đi vào hoạt động. Chị phấn khởi: Chợ Mới Sơn Long ngoài việc đáp ứng tốt nhu cầu mua bán của người dân còn góp phần tạo việc làm cho nhiều người từng lầm đường, lạc lối hòa nhập cộng đồng”.
Những người tiên phong trong xã hội hóa xây dựng chợ ở Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng thúc đẩy hạ tầng thương mại phát triển, đưa KT-XH tỉnh nhà đi lên.
Theo Chính Thu/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn