Lại lỗ tới 1000 đồng/lít
Nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà điều hành kinh doanh xăng dầu, giá loại hàng nhạy cảm này vẫn lao vút. Chỉ trong 3 tuần tính đến ngày 17/8, các phiên giao dịch trên thị trường Singapore đã cho thấy, xăng A92 thành phẩm tăng nhanh nhất với mức tăng thêm tới 12,85 USD/thùng. Dầu hỏa có sức nóng đứng thứ 2 với mức nhảy vọt thêm 12,73 USD/thùng và dầu diezen cũng không kém cạnh, chênh tiếp 11,23 USD/thùng.
Tính riêng 10 ngày gần đây, các mặt hàng dầu hầu như không hề hạ nhiệt. Ví dụ như dầu diezen ngày 8/8 là 128,7 USD/thùng thì đến 17/8 đã xác lập mức giá 133,2 USD/thùng, tăng 4,5 USD/thùng.
Giá xăng ngày 8/8 chỉ mới là 124,68 USD/thùng thì đến 17/8 đã thiết lập mức mới 127 USD/thùng. Sau 10 ngày, khoảng chênh chóng mặt lên tới 7,52 USD/thùng.
Diễn biến này làm dấy lên lo ngại sắp có một đợt rầm rộ "xin" tăng giá xăng dầu trong nước lần thứ 4. Chiểu theo đúng chế độ tự chủ về giá của Nhà nước, các điều kiện được tăng giá trên thực tế đã hình thành ngay sau khi giá xăng tăng đột biến tới 1.100 đồng/lít và 3 mặt hàng dầu tăng từ 500-800 đồng/lít hôm 13/8.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex than thở: "Tính đến nay, chênh lệch giá cơ sở mặt hàng xăng đã cao hơn giá bán lẻ hiện hành gần 1.000 đồng/lít, ở các mặt hàng dầu, chênh lệch này xoay quanh 500 đồng/lít,kg".
"Ngay sau khi các DN "được" tăng giá, ngày liền kề hôm sau, giá xăng dầu đã lại tiếp tục lỗ 500 đồng/lít", ông Năm khẳng định.
Cập nhật bảng giá cơ sở xăng dầu cho thấy, bình quân 30 ngày qua kể từ ngày 22/7 đến 20/8, giá xăng thành phẩm tại Singapore đã leo lên mức 120,38 USD/thùng, diezen 125,91 USD/thùng, dầu hỏa 124,53 USD/thùng và dầu madut có giá bình quân 651,89 USD/tấn.
Nếu so với kỳ bình quân 30 ngày trước đó, từ 14/7-10/8, giá bình quân của 4 mặt hàng này đã tăng lần lượt là 3,8%, 2,69%, 2,8% và 2,2%.
Chiều đi lên của thị trường thế giới tất yếu đã đẩy giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu ngày càng cách xa giá bán lẻ. Nỗ lực 3 lần liêp tiếp tăng giá không đủ co kéo lại bối cảnh bất lợi này.
Ngày 21/8, các DN đầu mối xăng dầu cho biết, xăng đã lỗ 980 đồng/lít. Tuy nhiên, riêng xăng được bù từ Quỹ bình ổn 300 đồng/lít kể từ 13/8 nên mức lỗ giảm xuống còn 680 đồng/lít. Dầu hỏa lỗ nặng kế tiếp sau xăng với mức lỗ tới 584 đồng/lít, dầu diezen lỗ hơn 445 đồng/lít và dầu madut lỗ 424 đồng/kg.
Lý giả tiếp về nghịch lý lỗ trường kỳ này, ông Trần Ngọc Năm chia sẻ: "Tổng thể trong chu kỳ 30 ngày bình quân thì số ngày giá cao ngày càng nhiều lên, số ngày giá thấp ngày càng ít đi. Dù hiện nay, giá tăng không đột biến như trước, đi ngang trong vài ngày cũng không thể đủ bù cho lúc giá nhảy dựng đứng. Vì thế, giá bình quân vẫn cao khiến cho chênh lệch giá cơ sở vẫn âm so với giá bán lẻ"
Theo phân tích của ông Năm, thời điểm các DN đồng loạt gửi bản đăng ký giá hôm 10/8, các mức giá cơ sở được tính toán cập nhật đến ngày 8/8. Chờ thêm 3 ngày, Bộ tài chính đồng ý và áp dụng giá tăng từ 13/8. Chính vì thế nên ngày áp dụng giá mới luôn có độ trễ cộng dồn từ 3-5 ngày so với đề xuất của doanh nghiệp.
"Nếu giá thế giới đứng yên hoặc đi xuống, có thể DN được lợi. Nhưng khi giá thế giới vẫn đi lên như 3 kỳ tăng giá vừa qua nên hệ quả là, cứ tăng giá xong, DN lại lỗ", ông Năm nói.
Trước bối cảnh này, ông Năm bày tỏ: "Các DN đứng giữa 2 lựa chọn khó khăn. Một là chấp nhận lỗ thì không đề nghị tăng giá. Nhưng sau đó, giả thiết giá đi ngang và đi xuống, DN có thể chịu đựng và bù sau, nhưng nếu giá thế giới vẫn chiều đi lên, đến lúc DN muốn tăng thì mức tăng dồn nén lại, có thể rất cao, tới 2.000 đồng chẳng hạn. Phải nói rằng, nếu giá cứ một chiều đi lên mà chùn lại việc tăng giá, sau này, kinh doanh xăng dầu sẽ càng rối".
Theo ông Năm, ban giám đốc Petrolimex thống nhất vẫn phải tiếp tục theo dõi thêm tình hình .
Bộ Tài chính đang ưu tiên thuế
Giảm thuế là giải pháp gỡ khó khả thi nhất cho thị trường xăng dầu và được nhiều DN đầu mối đề nghị. Nhưng, một nguồn tin cho biết, cho tới tận cuộc họp gần đây với DN xăng dầu, quan điểm của Bộ Tài chính vẫn là muốn giữ thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú trao đổi, về kịch bản giá hôm 10/8 cho hay, Bộ Công Thương đề nghị với bộ Tài chính hướng điều hành xăng dầu thường đưa ra 2 phương án, tăng giá hoàn toàn hoặc kết hợp giảm thuế.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng thuộc về Bộ Tài chính cho thấy, mọi áp lực tăng nhiệt thị trường đều dồn lên giá bán lẻ trong nước.
Một so sánh tương quan giữa giá bình quân 30 ngày (căn cứ điều chỉnh giá) với giá bán lẻ sẽ thấy rõ nghịch lý này.
Trong 10 lần điều chỉnh từ đầu năm đến nay, mức giá bán lẻ hiện cao thứ 4 trong 10 nấc giá và cao hơn mức giá của ngày 23/5.
Theo đó, ngày 23/5, giá xăng bán lẻ là 22.700 đồng/lít, thấp hơn 300 đồng/lít so với giá xăng hiện nay nhưng giá bình quân 30 ngày của xăng thành phẩm trên thị trường Singapore lại là 123,48 USD/thùng, cao hơn 3,1 USD/thùng so với mức hiện nay.
Tương tự ở thời điểm này, giá dầu diezen chỉ là 21.200 đồng/lít, rẻ hơn 350 đồng/lít so với hiện nay trong khi đó, căn cứ giá bình quân 30 ngày khi đó là 129,64 USD/thùng, cao hơn 3,73 USD.thùng so với mức bình quân hiện nay.
Điểm khác biệt duy nhất là thuế nhập khẩu. Giai đoạn trước, thuế nhập khẩu xăng chỉ là 4% và dầu diezen là 3% trong khi hiện nay, thuế nhập khẩu xăng là 12% và dầu diezen là 10%.
Nói cách khác, Nhà nước đang ưu tiên nguồn thu ngân sách trong điều hành giá xăng dầu hiện nay. So với giai đoạn trước, có tới 8% giá xăng và 7% giá dầu đang được thu về cho ngân sách thay vì dành cho người tiêu dùng. Mỗi một lít xăng dầu hiện nay, người dân phải nộp tới 20-32% các loại thuế, phí, tương ứng từ 6000-7000 đồng/lít.
Vì thế mới có nghịch lý rằng, giá xăng dầu thành phẩm thế giới dù chưa bằng ngưỡng của tháng 5 nhưng giá bán lẻ hiện hành lại cao hơn các mức giá thời kỳ đó.
Một cơ chế khác cũng đang gây bất lợi cho giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Đó là những ưu đãi dành cho nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Quyết định mới đây của Thủ tướng về cơ chế điều tiết nguồn thu ở 2 nhà máy này đã quy định, giá bán xăng dầu cho các DN đầu mối trong nước bằng giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu thuế nhập khẩu dưới 7% đối với xăng, dưới 3% đối với các sản phẩm hóa dầu khác thì Nhà nước sẽ bù giá chênh lệch giá cho 2 nhà máy này.
Với quan điểm của bộ Tài chính là hạn chế việc bù giá cho 2 nhà máy này, thuế nhập khẩu xăng dầu thời gian tới nếu có điều chỉnh cũng sẽ bị neo từ 7% trở lên. Với mức này, tỷ trọng thuế nhập khẩu trong mỗi lít xăng cũng ít nhất chiếm từ 1.000-1.200 đồng/lít.
Hiểu một cách nôm na, giữ thuế cao, người tiêu dùng đang bù giá cho các nhà máy lọc dầu thay vì Nhà nước bù. Quan điểm điều hành cứng rắn đó sẽ khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước muốn hạ nhiệt thì chỉ còn trông chờ vào giá thế giới, một điểm dựa đầy rủi ro.
Phạm Huyền
Theo VietnamNet