Bảo vệ tài nguyên nước là bảo vệ cuộc sống |
Hiện cả nước có gần 7.000 hồ đập lớn nhỏ. Cùng với đó, các công ty quản lý được giao tài sản đất, nước tương đối lớn nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, trong khi vai trò quản lý của các cơ quan Nhà nước còn mờ nhạt. Các khu vực có nguy cơ cao là đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Lễ kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống ngành thủy lợi Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2013) do Hội Thủy lợi Việt Nam tổ chức ngày 27/8, GS.TS Vũ Trọng Hồng-Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, trong những năm qua, ngành thủy lợi đóng vai trò rất quan trọng tới kết quả chung của toàn ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo, thủy sản. Bình quân mỗi năm, các hệ thống thủy lợi đã cung cấp trên 72 tỷ m3 nước cho tưới cho sản xuất lúa và hơn 12 tỷ m3 nước phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Mặc dù được đánh giá là quốc gia có lượng nước phong phú với 853 tỷ m3 nước qua lãnh thổ, tuy nhiên, chỉ 40% nguồn nước trên là do trong nước tạo ra, còn lại 60% là nguồn nước từ nước ngoài chảy vào, điều này khiến nước ta phụ thuộc lớn vào các quốc gia ở thượng nguồn. Hơn nữa, nguồn nước ngày càng ô nhiễm, công tác quản lý tài nguyên nước chưa thực sự thống nhất giữa các bộ ngành đang là những thách thức đối với tài nguyên vô giá này.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng, đứng trước những thách thức về sử dụng và quản lý nguồn nước, hiện nay Bộ đang phối hợp với các ngành xây dựng Dự thảo Luật Thủy lợi. Đồng thời chỉ đạo xây dựng quy hoạch thủy lợi gắn với việc chống lũ, đề án nâng cao năng lực tưới cho các hệ thống thủy lợi, nâng cao năng lực quản lý của các công ty thủy lợi; phát triển các tổ chức thủy nông cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, chú ý tới cải tiến phương pháp tưới tiết kiệm nguồn nước và nâng cao hiệu quả cấp nước sạch nông thôn.
Đỗ Hương (chinhphu.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn