Sự vào cuộc của báo chí
Để nhân dân và chính quyền các cấp hiểu rõ, hiểu sâu về XDNTM, Hà Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, xuống các thôn bản vùng sâu, vùng xa để người dân hiểu và tham gia hưởng ứng.
Riêng trong năm 2012, tỉnh đã tập trung tuyên truyền trên Đài Phát thanh -Truyền hình và báo Hà Giang với thời lượng lớn; trong đó, riêng báo Hà Giang tuyên truyền 80 tin, bài, ảnh trên báo in; 100 tin, bài, ảnh trên báo điện tử.
Bên cạnh đó, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phản ánh kịp thời hoạt động của Ban chỉ đạo, bám sát thực tiễn cơ sở và nêu gương những địa phương, cá nhân tiêu biểu trong phong trào. Trong năm qua, đài đã thực hiện 4 chuyên đề về XDNTM trong chương trình Chính sách với cuộc sống, đề cập đến vấn đề quy hoạch, xây dựng làng văn hóa gắn với du lịch và huy động sức dân trong quá trình thực hiện. Ngoài phát sóng tin thời sự, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm bằng tiếng phổ thông, đài còn biên dịch, biên tập phát trong chương trình phát thanh dân tộc tiếng Dao, tiếng Mông, tiếng Tày...
Đồng thời, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức thành công “Hội thi liên hoan truyền hình văn hóa” lưu động tại huyện Xín Mần với sự tham gia của gần 200 tuyên truyền viên, diễn viên, gồm 11 chương trình văn hóa nghệ thuật, tiểu phẩm tuyên truyền XDNTM. Sau hội thi, các đoàn trở về địa phương tổ chức lưu diễn, tuyên truyền tại huyện, xã, thôn, bản, thu hút gần 40.000 lượt người xem.
Nhân rộng điển hình
Một trong số những cách tuyên truyền được các địa phương trong tỉnh Hà Giang sử dụng là thông qua các gương điển hình để mọi người học tập, rút kinh nghiệm. Xã Phương Thiện (TP.Hà Giang) đã tổ chức chấm điểm các tiêu chí tại thôn; các hộ giúp nhau cùng thực hiện, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư và giám sát nhau cùng thực hiện các tiêu chí đã đề ra.
Nhằm phản ánh kịp thời kết quả XDNTM, cách làm hay, Ban quản lý chương trình đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh biên tập thành đĩa video in sao với số lượng 800 đĩa cấp phát cho 11 huyện, thành phố và một số cơ quan, ban ngành có liên quan để tuyên truyền, vận động thực hiện.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng có nhiều cách làm sáng tạo. Đơn cử như trong năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vận động cán bộ, hội viên tham gia phong trào làm tường rào, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa; vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Kết quả đã có 69.002 hộ gia đình, hội viên đăng ký thực hiện các tiêu chí cuộc vận động, trong đó có 44.850 hộ đạt cả 8 tiêu chí. Tuyên truyền hướng dẫn triển khai mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”; kết quả có 6.311 hộ đăng ký thực hiện và có 3.294 gia đình đạt các tiêu chí của mô hình.
Bằng việc sân khấu hóa hình thức tuyên truyền, xã Việt Lâm (huyện Vị Xuyên) đã gặt hái được nhiều thành công, là điểm sáng cho các xã khác học tập. Bà Hà Thị Chư, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Để giúp người dân hiểu về XDNTM, Đảng ủy, UBND xã đã tiến hành tuyên truyền bằng nhiều cách như: tổ chức các cuộc thi hỏi đáp, tiểu phẩm ngắn. Qua các cuộc thi, người dân sẽ hiểu sâu và nhớ lâu hơn. Đặc biệt là việc thực hiện mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” đã giúp các hộ có ý thức tự chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, ao cá gắn với mô hình kinh tế VAC, trang trại”.
Ông Đỗ Tấn Sơn, Trưởng ban quản lý chương trình XDNTM tỉnh Hà Giang cho biết: “Qua 2 năm triển khai thực hiện XDNTM, chúng tôi đã có được nhiều mô hình hay như “Nhà sạch, vườn đẹp” ở xã Việt Lâm; chấm điểm thi đua XDNTM ở Phương Thiện hay phong trào “Nhà sạch vườn đẹp - làm đường giao thông nông thôn” ở 40 xã điểm giai đoạn 2011 - 2015. Đây là nền tảng để chúng tôi phổ biến, nhân rộng tại các địa phương khác”.
Hoàng Văn (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn