Được mùa Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với ngành gạo, khối lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 2,38 triệu tấn, giá trị đạt gần 1,04 tỷ USD, tăng 7,6% về lượng nhưng giá trị giảm 0,2% so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm cũng giảm 12,4%. Khó khăn hơn đối với ngành hàng cà phê, cao su khi sự sụt giảm cả về lượng và giá trị. Tính chung 4 tháng đầu năm, lượng cà phê xuất khẩu đạt 608 ngàn tấn, giá trị đạt trên 1,3 tỷ USD, giảm 13,4% về khối lượng và giảm 11,1% về giá trị so cùng kỳ. Khối lượng xuất khẩu cao su 4 tháng ước đạt 234 ngàn tấn với trị giá đạt 610 triệu USD, giảm 12,9% về khối lượng và giảm 24,2% về kim ngạch. Giá cao su xuất khẩu bình quân quý I đạt 2.683 USD/tấn, giảm 8,7%. Thị trường Trung Quốc mặc dù vẫn là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam (chiếm 46,6% tổng trị giá xuất khẩu), nhưng có xu hướng sụt giảm 20,3% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị. Thị trường Malaysia cũng là thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ 2 của Việt Nam song dù khối lượng xuất khẩu quý 1 tăng 15,8% nhưng kim ngạch chỉ tương đương cùng kỳ. Cũng cần lưu ý khu 3 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều sụt giảm đáng kể. Chỉ có ngành chè dù giảm 3,2% về lượng nhưng tăng 4% giá trị xuất khẩu. PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản cho biết, lần đầu tiên sau 4 năm, kể từ năm 2009, xuất khẩu thủy sản trong quý I bị sụt giảm so với năm trước và giảm ở hầu hết các mặt hàng và thị trường chủ lực. Nguyên nhân chính là nguồn cung nguyên liệu không ổn định, diện tích tôm bị ảnh hưởng do hội chứng tôm chết sớm, thiếu sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu do bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa tốt, nhất là cá ngừ. Nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường chính sụt giảm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, các rào cản kỹ thuật và thuế quan tại các thị trường nhập khẩu, nhiều DN ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do đơn đặt hàng thấp, thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng và thiếu chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Song, sâu xa của vấn đề vẫn thuộc về ngành nông sản Việt Nam. Thực tế, nghịch lý xuất khẩu trong ngành nông sản Việt Nam là câu chuyện không mới, khi nhiều mặt hàng nông sản luôn đứng top đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu nhưng giá trị kim ngạch luôn đạt thấp, nông sản Việt Nam chưa làm chủ được thị trường thế giới, không có thương hiệu đúng tầm. TS Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn Nghiên cứu chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, điểm yếu của xuất khẩu gạo là vẫn tập trung ưu đãi cho các DNNN lớn, tình trạng DN xuất khẩu gạo đầu tư ra ngoài lĩnh vực chiếm đa số, chỉ một bộ phận DN đầu tư hỗ trợ người dân tạo vùng nguyên liệu ổn định. Chính sách xuất khẩu gạo được ban hành chưa ghi nhận tiếng nói của người trồng lúa. Nếu chỉ dựa vào thu nhập từ gạo, người nông dân quy mô nhỏ có mức sống dưới ngưỡng nghèo đói. Bởi thế, thay đổi chiến lược xuất khẩu, chú trọng nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa, thay vì tập trung vào sản lượng là điều mà các DN xuất khẩu nông sản cần hướng tới. Cùng với đó, phải mở rộng thị trường, giảm bán qua trung gian, hỗ trợ mặt bằng thuế, lãi suất, tạo cơ hội cho người dân, DN xuất khẩu tiếp cận vốn vay lãi suất thấp, vay vốn bằng ngoại tệ ổn định. Nguyễn Nga |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn