Đào tạo theo yêu cầu của nông dân
Những năm gần đây, Hội ND tỉnh Điện Biên rất chú trọng công tác đào tạo nghề cho nông dân. Bà Cao Thị Tuyết Lan tâm sự: “Nông dân vùng cao vốn đã rất khó khăn, muốn thoát nghèo bằng nông nghiệp thì chỉ còn cách duy nhất là nâng cao hiệu quả sản xuất. Nếu canh tác cây ngô, cây lúa bằng giống cũ và theo phương pháp lạc hậu thì thu nhập 1 năm/ha đất sản xuất chỉ đạt khoảng dưới 10 triệu đồng.
Nhưng nếu nông dân được đào tạo, có kỹ thuật cao hơn, được hỗ trợ giống, phân bón… thì cũng trên diện tích đất ấy, thu nhập có thể cao hơn nhiều lần. Vì thế, Hội chúng tôi đã có nhiều giải pháp để đào tạo nông dân có tay nghề ngày một cao hơn, mang lại hiệu quả sản xuất lớn hơn”.
Mô hình hướng dẫn sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hương Trà
Bên cạnh việc tổ chức dạy nghề cho hội viên nông dân, Hội ND Điện Biên đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với các Công ty Thức ăn chăn nuôi Con Heo Vàng cung ứng trên 6.300 tấn thức ăn trong chăn nuôi; phối hợp Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Phân bón Sông Gianh cung ứng trên 20.000 tấn phân bón trả chậm... giúp nông dân có vật tư để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. |
Hiện Hội ND tỉnh Điện Biên có gần 81.000 hội viên, tham gia sinh hoạt và sản xuất ở 10 huyện, thành phố trong tỉnh.
“Điện Biên có nhiều dân tộc anh em chung sống; trình độ dân trí, mức sống, nhu cầu và điều kiện phát triển khác nhau nên khi đào tạo nghề cho nông dân chúng tôi phải bắt đầu từ nguyện vọng của chính nông dân đăng ký, đề đạt. Cùng 1 xã, 1 bản nhưng có người muốn làm kinh doanh, muốn làm dịch vụ; cũng có người muốn sống với nghề nông nhưng lại chọn chăn nuôi gia súc nhỏ làm hướng phát triển…
Sau khi tổng hợp nhu cầu từ cơ sở, chúng tôi phải tư vấn lại cho nông dân về định hướng phát triển gắn với quy hoạch phát triển cũng như điều kiện, hoàn cảnh của từng địa bàn; thâm chí của từng hộ. Khi người dân đã thông và đi đến lựa chọn học nghề, chúng tôi tập hợp lại thành các nhóm sở thích để xây dựng kế hoạch đào tạo cho phù hợp” - ông Vàng A Cử - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Điện Biên, cho hay.
Bà Cao Thị Tuyết Lan thông tin, 10 năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Hội ND các huyện, thi, thành phố phối hợp Phòng LĐTBXH địa phương mở được 875 lớp dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật trồng và bảo quản, sơ chế nấm, trồng rau an toàn cho hơn 29.099 lượt hội viên tham gia.
“Cầm tay - chỉ việc” và thành quả lớn
Ông Vũ Thanh Hải - Trưởng phòng NNPTNT huyện Nậm Pồ, một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, cho biết: Dạy nghề cho nông dân ở đồng bằng, miền xuôi khác rất nhiều với dạy nghề ở vùng bà con dân tộc thiểu số như Nậm Pồ. Dưới xuôi, người dân có thể góp thêm tiền để đi học nghề, thậm chí là họ tự học, tự đầu tư để thay đổi cuộc sống. Vì thế, dạy nghề ở dưới xuôi mang tính định hướng nhiều hơn.
“Còn với vùng cao thì nói là phải làm; trao cần câu rồi thì phải chỉ cách câu và phải câu được cá bằng cái cần câu ấy thì người ta mới tin” - ông Hải bảo vậy.
Chúng tôi đến xã Chà Nưa - xã đầu tiên của Nậm Pồ vừa cán đích nông thôn mới, gặp lão nông Khoàng Văn Thành và nghe ông tự hào khoe: “Người dân ở Chà Nưa tuy là hầu hết bà con dân tộc thiểu số và sống bằng nghề nông, nhưng là xã đầu tiên trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới, là xã có diện tích và năng suất lúa nước lớn nhất huyện, có sản phẩm mật ong ngon nổi tiếng…”.
Về những thành quả ấy, ông Thành bảo: “Không được cán bộ dạy bảo, hướng dẫn cẩn thận thì không làm được thế này đâu. Ngày trước, vẫn làm nông nghiệp, đất rộng hơn cả bây giờ nhưng lấy đâu ra nhà xây, nhà ngói, làm gì có đủ gạo ăn. Cán bộ phải dạy dân từ cách cầm cuốc, cầm liềm tới chọn giống lúa, giống phân bón, thời điểm thu hoạch… Nhà tôi cũng khá giải lên nhờ được đào tạo nghề nông từ các lớp học, từ những cán bộ cần mẫn đấy”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn