Trong những tháng cuối năm này, chúng tôi về thăm xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nơi đang có những cánh đồng rau hữu cơ được nhiều người quan tâm. Trước mắt chúng tôi là những cánh đồng rau hữu cơ, như: rau cải, cà chua, bí xanh, dưa chuột, cà pháo, bí đỏ, mướp đắng, su hào, cải bắp, súp lơ... trải dài xanh mát mắt. Trao đổi với chúng tôi, chị Phùng Thị Lan, Chủ tịch Hội nông dân, Trưởng liên nhóm sản xuất hữu cơ huyện Lương Sơn cho biết: Từ cuối năm 2008, với sự hỗ trợ của Dự án ADDA (Đan Mạch) và Trường Cao đẳng NN - PTNT Bắc Bộ (Xuân Mai - Hà Nội) cùng phối kết hợp, huyện đã triển khai Dự án trồng rau hữu cơ tại 7 đơn vị gồm các xã Hòa Sơn, Nhuận Trạch, Hợp Hòa, Thành Lập, Cự Yên, Tân Vinh và thị trấn Lương Sơn. Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai còn gặp nhiều khó khăn, bởi huyện Lương Sơn là địa hình bán sơn địa nên ít ruộng, trong khi diện tích tối thiểu cho trồng rau hữu cơ phải đạt từ 2000m2 trở lên. Trong khi đó, người dân lại quen với trồng rau truyền thống. Nhờ sự cố gắng các cơ quan hữu quan và người dân, nên cây rau hữu cơ ngày càng đứng chân bền vững ở mảnh đất này.
Xã Thành Lập là một trong những xã trồng rau hữu cơ khá thành công. Hiện xã có 4 nhóm sản xuất chính là Nà Lều, Cây Gạo, Đồng Làng và Đồng Sương, với hàng trăm lao động. Anh Hoàng Văn Tân, Trưởng nhóm rau Đồng Làng chia sẻ: Nhóm có 9 thành viên, canh tác trên diện tích 7.000m2 rau hữu cơ, cho thu nhập khoảng gần 5 triệu/người/tháng, cao hơn nhiều trồng lúa.
Tại các xã khác như Tân Vinh, Cự Yên, Nhuận Trạch và Hợp Hòa... đời sống của nhân dân cũng được nâng lên nhờ trồng rau hữu cơ. Hiện tại cả huyện Lương Sơn đã thành lập được 2 Hợp tác xã và 15 nhóm sản xuất rau hữu cơ, có hơn 150 thành viên tham gia, với tổng diện tích sản xuất hơn 10,5 ha. Trong đó sản xuất rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế (PGS) hơn 8 ha. Mỗi năm, Lương Sơn cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau hữu cơ, trong đó có các siêu thị ở Hà Nội, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế địa phương
Trao đổi với chúng tôi, Bà Marianne Norgaard Jensby, chuyên gia của tổ chức ADDA - Đan Mạch phát biểu: “Theo chúng tôi, đây là một điều kỳ diệu, với ý nghĩa ban đầu là nhằm tạo thêm sinh kế cho các chị em phụ nữ nghèo, nhưng đến nay nó trở thành mô hình phát triển kinh tế tiêu biếu cho toàn huyện trong việc tạo ra những sản phẩm rau chất lượng cao mà không tác động xấu đến môi trường”.
Theo anh Hoàng Văn Tân, Trưởng nhóm rau Đồng Làng, để sản xuất được rau hữu cơ, nhóm phải tham gia lớp tập huấn kỹ thuật dài ngày, có giấy chứng nhận trồng rau hữu cơ. Trung tâm giống cây trồng của tỉnh cung cấp giống. Trồng rau phải theo các nguyên tắc: không dùng chất biến đổi gen, không sử dụng phân hóa học, không dùng chất kích thích, không dùng thuốc trừ sâu. Nước tưới rau phải được kiểm nghiệm an toàn. Để phòng trừ sâu bệnh, phải dùng tỏi, gừng giã nhuyễn, trộn với rượu rồi phun lên rau. Cạnh đó trồng thêm các loại cây như: Cúc vạn thọ, hoa bóng nước để thu hút các loại “thiên địch”. Rau sau khi thu hoạch sẽ được đưa vào nhà sơ chế, đóng bao bì có dán mác, tem. Người tiêu dùng có thể truy cập mã vạch để biết rõ được nguồn gốc, xuất xứ cũng như toàn bộ quy trình trồng rau.
Để hỗ trợ các hộ trồng rau, Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản tỉnh Hòa Bình đã mở các lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đầu tư hệ thống lưới che chắn, cung cấp thiết bị quản lý truy xuất nguồn gốc rau.
Chia sẻ cùng phóng viên, bà Quách Thị Kiều, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Mô hình rau hữu cơ đang góp phần tích cực trong hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo chuỗi, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Thời gian tới, Lương Sơn đang cố gắng mở rộng diện tích rau hữu cơ. Phấn đấu đến năm 2019 toàn huyện sẽ mở rộng diện tích rau hữu cơ lên 60ha, ngày càng giữ vững và phát triển thương hiệu nông sản hữu cơ Lương Sơn trên thị trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn