Sáng nay (15/11), Hội làm vườn và Trang trại tỉnh phối hợp với Trung tâm ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ cây trồng và vật nuôi huyện Thạch Hà tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực trạng dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà.
Tham dự có đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Công ty CP phát triển công nghệ Hưng phát và hơn 80 hộ nông dân 2 xã: Bắc Sơn và Thạch Xuân, huyện Thạch Hà.
Dự án ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ, gồm: chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà thịt và trồng một số rau củ quả (mướp An Phú Nông, Dưa hấu An Tiêm 103) tại xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà được Hội làm vườn và Trang trại tỉnh tổ chức triển khai cuối năm 2016. Các mô hình chăn nuôi sử dụng giống có chất lượng tốt đảm bảo nguồn gốc, sử dụng đệm lót sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường; đối với mô hình trồng trọt sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sâu sinh học...
Chủ tịch Hội làm vườn và Trang trại tỉnh Nguyễn Xuân Tình báo cáo đề dẫn hội thảo
Chi cục Trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Trí Hà phát biểu tham luận tại hội thảo
Chủ trì hội thảo
Qua theo dõi, kiểm tra đánh giá cho thấy, đối với chăn nuôi lợn quy mô 100 con, sau 5 tháng nuôi sử dụng đệm lót sinh học (Balasa01), thức ăn từ nguồn nguyên liệu sạch sẵn có ở địa phương như: Lúa, gạo, ngô khoai sắn, không sử dụng kháng sinh, chất tăng trọng... tỷ lệ sống đạt 85%, trọng lượng bình quân xuất chuồng 60kg/con; chăn nuôi gà 500 con, tỷ lệ sống đạt 95%; đối với mô hình trồng trọt, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sâu sinh học, sản lượng mướp đạt 4.000 kg, dưa hấu An Tiêm 103 đạt bình quân 25 tấn/ha...; kết quả kiểm nghiệm mẫu của các sản phẩm đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có kháng sinh cấm, thuốc khích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu...
Tại hội thảo các đại biểu tập trung phân tích những kết quả đạt được từ các mô hình cho thấy, việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đúng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp. Nhiều đại biểu cho rằng việc triển khai nhân rộng các mô hình này còn hạn chế, giá trị kinh tế chưa cao; đặc biệt là đầu ra các sản phẩm để nâng cao giá trị hàng hóa, thu nhập cho người dân.
Trên cơ sở kết quả đạt được từ các mô hình Hội làm vườn và Trang trại tỉnh đã biên soạn tài liệu về kỹ thuật trồng dưa hấu An Tiêm 103 theo phương pháp hữu cơ, kỹ thuật chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ trên đệm lót sinh học (giống lợn lai F1 50% máu ngoại con nái Móng Cái lai với lợn đực ngoại) nhằm tuyên truyền, nhân rộng ứng dụng KHCN mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong xây dựng vườn mẫu để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần đẩy thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại các địa phương.
Ngô Thắng