Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh chấm điểm cho các sản phẩm.
Thực hiện công tác đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP, đến nay Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ và sản phẩm của 10/11 huyện, thành phố. Với 86 bộ hồ sơ của 6 ngành sản phẩm đủ điều kiện đề nghị hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm cấp tỉnh. Cụ thể, ngành thực phẩm có 68 hồ sơ; ngành đồ uống 10 hồ sơ; ngành thảo dược 3 hồ sơ; ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí 1 hồ sơ; ngành vải, may mặc 3 hồ sơ; ngành dịch vụ du lịch và bán hàng có 1 hồ sơ. Các sản phẩm được chấm điểm bám sát tiêu chí đó là: Sản phẩm phải thể hiện được ý tưởng của đơn vị, tổ chức, cá nhân; phải nêu rõ nguồn gốc nguyên liệu, màu sắc, mùi vị, dinh dưỡng, quy cách sản phẩm; thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy suất nguồn gốc... đảm bảo theo các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành. Theo anh Hoàng Hồng Trường, thành viên Hội đồng đánh giá cấp tỉnh, cho biết: việc đánh giá chấm điểm các sản phẩm OCOP phải tuân thủ theo các quy định vô cùng chặt chẽ, qua đó sẽ giúp các đơn vị sản xuất kinh doanh nhận ra những điểm còn thiếu sót để hoàn thiện sản phẩm của mình.
Theo đánh giá của Hội đồng, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP chưa đa dạng và chủ yếu tập trung ở nhóm ngành thực phẩm, đồ uống. Còn nhiều cơ sở sản xuất thiếu kế hoạch bảo vệ/đánh giá tác động môi trường; mẫu mã bao bì một số sản phẩm còn thô sơ, đơn giản. Đa số các sản phẩm thường sử dụng kênh bán hàng truyền thống, chưa chú trọng đến hệ thống phân phối và ít quan tâm đến hoạt động quảng bá… Là một trong những đơn vị có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Quản Bạ, ông Tráng Thìn Lù, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Mật ong dược liệu Thanh Vân, cho biết: HTX có gần 600 tổ ong, hàng năm chúng tôi xuất ra thị trường hơn 2 nghìn lít mật ong các loại. Nếu được gắn sao trên sản phẩm OCOP của HTX sẽ giúp sản phẩm có thể đứng vững trên thị trường. Từ đó, có cơ hội được phân phối tại các hệ thống, trung tâm phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng.
Thông qua việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP còn giúp khuyến khích các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm đảm bảo các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Quyết định 1048/QĐ-TTg. Từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình đảm bảo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Khích lệ phong trào thi đua khởi nghiệp dựa trên các lợi thế cạnh tranh của địa phương, xây dựng ý tưởng, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Góp phần triển khai thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh.
Tuy nhiên, các chủ thể vẫn phải chịu trách nhiệm chính về sản phẩm của mình, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ về chính sách, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai chương trình đến các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn