Hợp tác xã nước mắm Thiên Phú ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân được thành lập từ năm 2015 với quy mô 60 nghìn lít nước mắm thành phẩm mỗi năm. Đây là cơ sở chế biến nước mắm theo quy trình sản xuất truyền thống của địa phương. sau gần 3 năm đi vào sản xuất, sản phẩm mang nhãn hiệu nước mắm Lạch Kèn của Hợp tác xã Thiên Phú đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.
Tham gia chương trình OCOP, HTX Thiên Phú đã xây dựng thành công thương hiệu nước mắm Lạch Kèn
Hiện nay, Hợp tác xã nước mắm Thiên Phú đã cũng cấp trên 6 nghìn lít sản phẩm cho thị trường các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Nam Định, Hà Nội…Doanh số thu về trên 500 triệu đồng, từ khi đi vào sản xuất đến nay, hợp tác xã đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương hơn 6 triệu đồng trên tháng” chị Phan Thị Lý, Giám đốc HTX nước mắm Thiên Phú cho biết.
Xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới bền vững của huyện vì vậy Nghi Xuân đã lập Đề án, tập trung chỉ đạo các ban, ngành, địa phương bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình OCOP, bám sát nội dung Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.
Đoàn Văn phòng NTM trung ương tham quan các gian hàng sản phẩm tại huyện Nghi Xuân
Huyện Nghi Xuân cũng đã đề ra chỉ tiêu sẽ có ít nhất 40 sản phẩm của các địa phương đăng ký tham gia và triển khai thực hiện theo tiêu chuẩn OCOP. Trong đó mỗi xã, thị có ít nhất 2 sản phẩm đăng ký tham gia; từ nay đến năm 2020 Nghi Xuân phấn đấu có tối thiểu 10 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3-5 sao, phấn đấu có 1 làng văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Riêng trong năm 2019 này Nghi Xuân sẽ phấn đấu có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ này đều có tiềm năng lớn và động lực để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa. Nếu được hỗ trợ, phát triển đúng hướng chắc chắn các sản phẩm chủ lực này sẽ phát huy được lợi thế, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn.
Để quảng bá các sản phẩm OCOP, Nghi Xuân sẽ triển khai mở các cửa hàng trưng bày các sản phẩm của địa phương và sản phẩm OCOP để tạo thành chuỗi cung ứng hàng liên hoàn, từ cửa hàng của huyện đến các xã, thị. Hiện tại, Nghi Xuân đang chỉ đạo một số địa phương đã triển khai xây dựng cửa hàng tại địa điểm phù hợp nhằm đưa sản phẩm OCOP vào gian hàng, quảng bá đến người dân địa phương và khách trong, ngoài tỉnh…Mục tiêu mà Nghi Xuân đặt ra là tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên những sản phẩm bản địa, có lợi thế cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi địa phương đều có cách làm thiết thực, hiệu quả để nâng tầm sản phẩm hàng hóa, tạo dấu ấn trên thị trường.
“Huyện Nghi Xuân đã có đề án triển khai thực hiện, trong đó tuyên truyền vận động các địa phương và các hộ sản xuất có sản phẩm có thể sản xuất theo hướng OCOP từ đó xây dựng ý tưởng sản phẩm, kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đảm bảo ATVSTP để sản phẩm khi ra thị trường được người tiêu dùng chấp nhận” Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Phạm Tiến Hưng cho biết thêm.
Nghi Xuân xác định, thực hiện thành công chương trình “mỗi xã một sản phẩm” sẽ không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp khu vực nông thôn giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được coi là hướng đi đúng và trúng trong việc lan tỏa thương hiệu địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Anh Đức
http://nghixuan.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn