Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thăm gian hàng OCOP của tỉnh tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc - Hải Phòng 2019. Sau hơn 1 năm triển khai chương trình OCOP, toàn tỉnh mới chỉ có 30 đơn vị đăng ký tham gia với 65 sản phẩm. Đến năm 2017, chương trình OCOP được nhân rộng, đi vào chiều sâu cả về lượng và chất. Đặc biệt, thông qua cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm, đã có 81 bộ hồ sơ sản phẩm của 47 tổ chức kinh tế tham gia dự thi cấp tỉnh. Trong đó có 54 sản phẩm OCOP đạt sao, gồm: 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao; 31 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao. Như vậy, có thể thấy sản phẩm OCOP Quảng Ninh đang ngày càng được các doanh nghiệp, HTX hoàn thiện, chuẩn hóa, nâng cấp.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh cũng đã ban hành quy định quản lý, sử dụng nhãn hiệu OCOP đối với tem, nhãn các sản phẩm tham gia chương trình. Tỉnh cũng đã phối hợp với VNPT Quảng Ninh triển khai ứng dụng tem điện tử thông minh (VNPT Check) trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP. Các giải pháp nêu trên được coi là nền tảng quan trọng, để các cơ sở sản xuất đi đúng hướng, chuẩn hoá sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, nâng cao năng lực hội nhập.
Trong những năm qua, nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện thông qua việc tạo điều kiện về cơ chế chính sách, hỗ trợ kiến thức kỹ thuật, hỗ trợ về lãi suất vốn vay, nhất là trong việc xúc tiến thương mại. Từ năm 2009 - 2018 trên địa bàn Quảng Ninh đã tổ chức gần 200 hội chợ, triển lãm, kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh đến các thị trường trong và ngoài nước. Thông qua các kỳ hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại đã có mặt tại một số siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm sạch, các kênh phân phối truyền thống...
Cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ba Chẽ kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP của HTX Kinh doanh dịch vụ lâm sản ngoài gỗ Ba Chẽ. Bà Bùi Thị Oanh, Giám đốc HTX Kinh doanh và Chế biến thuỷ sản Nam Hải, huyện Cô Tô, chia sẻ: Trong năm qua, đơn vị của tôi đã tham gia một số hội nghị kết nối sản xuất nông sản sạch, các kênh phân phối lớn do tỉnh tổ chức. Đó thực sự là giải pháp hữu hiệu, là cơ hội để chúng tôi giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác tiềm năng. Trong những năm tới tôi mong muốn, tỉnh tổ chức nhiều hơn các chương trình, hội nghị tương tự để làm cầu nối đưa nông sản sạch của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng.
Ở một góc độ khác, Sở Công Thương đã phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai hỗ trợ sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử với tên miền www.badasa.com. Sàn đã thu hút hơn 1.400 sản phẩm có uy tín trên toàn quốc tham gia với doanh thu 1 năm đạt khoảng 3 tỷ đồng. Hiện đã có hơn 20 sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của Quảng Ninh tham gia giao dịch qua sàn.
Đặc biệt, tháng 4/2018, tỉnh đã tổ chức Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh 2018. Với quy mô trên 200 gian hàng, Hội chợ đã trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thuộc chương trình OCOP Quảng Ninh, nông sản đặc trưng của 40 tỉnh, thành phố trong nước và sản phẩm đặc trưng của các quốc gia: Lào, Thái Lan, Hàn Quốc... Qua đó, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, mang sản phẩm OCOP đến gần hơn với người dân, cũng như tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp, các HTX sản xuất áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2009-2019, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký khẳng định, tỉnh đã chủ động xây dựng Chương trình OCOP để làm động lực cho sự phát triển của sản phẩm, hàng hóa địa phương. Đến nay, chương trình đã được nhân rộng trên toàn tỉnh và toàn quốc, trở thành văn hóa tiêu dùng của người dân Quảng Ninh. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng chương trình để sản phẩm OCOP thực sự trở thành thương hiệu đặc trưng, chủ lực của Quảng Ninh.
https://quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=84653