Từ OVOP Oita…
Phong trào OVOP được khởi xướng bởi Tiến sĩ Morihiko Hiramatsu từ năm 1979, tại tỉnh Oita, Nhật Bản. Phong trào đã trở thành điển hình của việc phát triển sản phẩm nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương. Thành công của phong trào OVOP đã ra nhiều nơi trên thế giới. Tại Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những nước triển khai thành công nhất phong trào OVOP bằng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OTOP). Từ đó, khích lệ các nước thành viên khác của ASEAN áp dụng vào các mô hình mang sắc thái riêng của mình tại Brunei, Malaysia, Campuchia...
Đoàn công tác của Quảng Ninh học tập kinh nghiệm triển khai phong trào OVOP tại Oita, Nhật Bản năm 2016 (Ảnh: Tất Thắng-CTV) |
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai phong trào OVOP với tỉnh Quảng Ninh, ông Tadashi Uchida, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến quốc tế phong trào OVOP tỉnh Oita đã nhấn mạnh, ba nguyên tắc chính xây dựng phong trào OVOP là: Địa phương hóa rồi hướng tới toàn cầu; tự chủ, tự lập, nỗ lực sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực. Điểm cốt lõi của OVOP là mỗi làng phải chọn cho mình một sản phẩm đặc biệt nổi trội, có tính cạnh tranh nhất mà địa phương khác không có. Chính quyền sẽ hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất. Đối tượng khách hàng mục tiêu là du khách.
Ông Tadashi Uchida cũng khẳng định, yếu tố thành công của phong trào OVOP chính là người dân, chính quyền chỉ đóng vai trò hướng dẫn cho những người dân. Trên cơ sở đó, chính quyền tỉnh Oita đã có những hỗ trợ về kỹ thuật, xúc tiến bán hàng và hệ thống giải thưởng cho những thực hành tốt nhất. Quận đã thành lập viện nghiên cứu và thử nghiệm quận phục vụ OVOP; hỗ trợ cho việc cải tiến và phát triển các sản phẩm; tổ chức triển lãm, hội chợ Oita; phát động cuộc vận động sản xuất và tiêu dùng địa phương; thành lập công ty “Một làng, một sản phẩm” Oita; xây dựng trạm nghỉ dọc đường (Michi -no - Eki).... Kênh phân phối chính của OVOP Nhật Bản là các siêu thị.
Sản phẩm nước mắm Cái Rồng trưng bày tại Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP, tháng 9/2017. |
Với cách làm này, OVOP đã thực sự là chương trình thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng thị trường hàng hóa một bền vững cách bền vững tại tỉnh Oita. Phong trào OVOP đã đem lại thành công cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Oita và lan rộng toàn nước Nhật. Từ một tỉnh nghèo, Oita không lâu sau đó đã được thế giới biết đến nhờ các nông sản tuyệt hảo như nấm hương khô, chanh kakosu, rượu shouchu, lúa mạch, ngựa seiki...
Đến sáng tạo trong OCOP của Quảng Ninh
Từ năm 2005, Bộ NN&PTNT đã xây dựng phong trào “Mỗi làng một nghề” ở Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả phát triển làng nghề chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu phát triển. Từ thành công của Quảng Ninh trong triển khai chương trình OCOP là nền tảng quan trọng để Bộ NN&PTNT lựa chọn làm mô hình điểm nhân rộng ra cả nước cũng như xây dựng đề án “Mỗi xã, một sản phẩm”.
Chương trình OCOP là một mô hình lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh, do đó chưa có tiền lệ về phương pháp luận, cơ chế chính sách, mô hình hiệu quả để học tập. Các cán bộ chủ chốt đã giành nhiều thời gian nghiên cứu các chuyên đề quốc tế về phong trào OVOP tại các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Phi… Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét, đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, các chính sách hiện hành, hiệu quả của các mô hình đã triển khai tại Việt Nam.
Sản phẩm OCOP Quảng Ninh không ngừng được nâng cao về chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng. |
Từ đó, trên cơ sở phong trào OVOP Oita, năm 2013, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2013 - 2016 với mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường, ổn định xã hội nông thôn.
Học tập kinh nghiệm của OVOP Nhật Bản, chương trình OCOP Quảng Ninh cũng được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản đó là: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó, chương trình OCOP xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Do vậy, chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, Tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.
Với các giải pháp tích cực, sau 4 năm triển khai, chương trình OCOP trở thành thương hiệu riêng của Quảng Ninh, khẳng định là hướng đi đúng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị sản xuất. Toàn tỉnh đã có 215 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia OCOP với tổng vốn đăng ký là 250 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 2.500 lao động địa phương. Toàn tỉnh hiện có 238 sản phẩm, trong đó có 85 sản phẩm đạt từ 3-5 sao.
Theo đánh giá, các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đều nằm trong nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương và nhóm đặc sản vùng miền như: Thủy sản chế biến, tôm thẻ chân trắng, lợn Móng Cái, dược liệu ba kích, trà hoa vàng, miến dong, gạo nếp… Doanh số bán sản phẩm đạt trên 670 tỷ đồng.
Giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh sẽ phát triển 130 sản phẩm đã có từ giai đoạn trước và 120 sản phẩm mới. Trong đó, phát triển 6 sản phẩm quốc gia, 12 sản phẩm cấp tỉnh, 21 sản phẩm địa phương.
Ông Tadashi Uchida, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến quốc tế phong trào OVOP tỉnh Oita, Nhật Bản cho biết: Không chỉ có những nét tương đồng với Oita về khí hậu, địa lý, tự nhiên mà Quảng Ninh hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển chương trình OCOP mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Do đó, với kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa cho Quảng Ninh trong việc triển khai các bước tiếp theo nhằm đưa chương trình OCOP Quảng Ninh phát triển tương đương với chương trình OTOP Thái Lan, trở thành mô hình điểm về sự hợp tác giữa hai bên. Ngay trong tháng 11-2017, chúng tôi sẽ trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá từng sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Từ đó, lựa chọn ra các sản phẩm chủ lực để hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, thiết kế bao bì, phân phối sản phẩm theo kiểu “cầm tay, chỉ việc”.
Tác giả bài viết: Cao Quỳnh
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn