Nhân viên Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Mạo Khê 188 chăm sóc rau thủy canh.
Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng NTM, Thường trực Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh, cho biết: Năm nay, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đã có, phát triển sản phẩm mới theo định hướng đạt thương hiệu cấp quốc gia; củng cố các tổ chức kinh tế; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.
Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh đã đề ra mục tiêu cụ thể, phát triển thêm ít nhất 50 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn; 100% đơn vị sản xuất có sản phẩm phát triển mới đạt yêu cầu dự thi đánh giá và xếp hạng; phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế; đưa thêm ít nhất 10 sản phẩm vào tiêu thụ tại chuỗi các trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Điều này cho thấy sự quyết tâm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh.
Việc chuyên nghiệp hóa sản phẩm được Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh tập trung thực hiện trong năm nay. Theo đó, đặt ra mục tiêu công nhận thêm từ 30-40 sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao, ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao tại cuộc thi cấp quốc gia, ít nhất 10 sản phẩm chủ lực sản xuất theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, 90% sản phẩm trở lên được dán tem điện tử, mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Sản phẩm Trà thảo dược của Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã được chứng nhận 3 sao.
Để hoàn thành mục tiêu của năm 2020 và giai đoạn 2017-2020, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh sẽ có nhiều đổi mới từ công tác quản lý chương trình, tuyên truyền, đào tạo, phát triển sản phẩm... Từ năm nay, các đơn vị có sản phẩm đăng ký mới sau khi được chấp thuận tham gia OCOP phải xây dựng kế hoạch sản xuất. Cấp huyện thẩm định kế hoạch sản xuất đồng thời tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của đơn vị sản xuất.
Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh sẽ thẩm định, báo cáo UBND tỉnh quyết định phân bổ hỗ trợ trong nguồn kinh phí xây dựng NTM hoặc bố trí từ nguồn phân bổ cho địa phương. Giải pháp này không chỉ hạn chế tình trạng đầu tư, hỗ trợ dàn trải mà còn nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia cũng như tăng cường vai trò quản lý của địa phương.
Công tác thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, điểm bán hàng, sử dụng nhãn hiệu... sẽ được tăng cường trong năm nay. Qua đó, xử lý nghiêm các tổ chức sản xuất có các sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh sẽ vận động thành lập hội hoặc câu lạc bộ doanh nhân OCOP Quảng Ninh, nhằm tập hợp các tổ chức kinh tế tham gia chương trình.
Từ đó, hình thành tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, nâng cao trách nhiệm xã hội, tổng hợp ý kiến. Đồng thời, xây dựng thí điểm một số mô hình khởi nghiệp sáng tạo chương trình OCOP gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đối với việc phát triển sản phẩm, năm 2020 các địa phương sẽ tập trung khảo sát phát triển sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, làm quà lưu niệm cho khách du lịch đến Quảng Ninh.
Đồng thời, xây dựng dự án liên kết chuỗi đối với 31 sản phẩm OCOP chủ lực cấp huyện, 12 sản phẩm cấp tỉnh và 6 sản phẩm định hướng cấp quốc gia. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh cũng xây dựng đề án phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, tích cực quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Triển khai chủ đề chương trình OCOP năm 2020 “Sản phẩm chuyên nghiệp”, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh sẽ khảo sát thực trạng, lập kế hoạch và triển khai các hoạt động mở rộng thị trường toàn quốc và xuất khẩu. Đồng thời, lựa chọn từ các sản phẩm 5 sao cấp tỉnh và các sản phẩm có tiềm năng phát triển để nâng cấp sản phẩm, nâng cấp chuỗi giá trị, kiện toàn tổ chức đáp ứng các tiêu chí sản phẩm quốc gia.
Theo Cao Quỳnh/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn