Tận dụng bờ liếp mía, huyện Thới Bình triển khai cho người dân trồng thử nghiệm chanh không hạt.
Hiện tại, có 43 hộ dân trồng mía trước đây thuộc các xã Biển Bạch Đông và Trí Lực đang chuyển sang thử nghiệm dự án trồng chanh không hạt, với diện tích 10ha. Đây là 02 xã có đất đai màu mỡ, ít bị xâm nhập mặn và có sẵn nền đất đã lên liếp trồng mía trước đây, chỉ cần cải tạo lại đất là thích hợp cho việc trồng chanh không hạt. Cùng với đó, các hộ dân tham gia đều có đầy đủ hệ thống kênh cấp thoát nước, có máy bơm nước và ở gần nhau nên thuận lợi cho việc kiểm tra, quản lý mô hình. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 01 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn khoa học và công nghệ trên 250 triệu đồng, vốn đối ứng của người dân tham gia dựa án 875 triệu đồng.
Được biết, so với các giống cây chanh khác, chanh không hạt chống chịu được sâu bệnh tốt hơn, cây có tuổi thọ được khoảng 12 năm. Sản lượng trái đạt từ 25 tấn/ha/năm, kể từ năm thứ 2 sau khi trồng, trọng lượng trái nặng từ 07-08 trái/kg. Tiêu chuẩn chất lượng trái không hạt, vỏ mỏng, nhiều nước, chua, thơm và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Để dự án được triển khai hiệu quả, các hộ dân được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng chanh không hạt do huyện Thới Bình tổ chức.
Ông Lê Văn Chinh, ở ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, cho biết: “Gia đình tôi được huyện chọn thí điểm trồng chanh không hạt với diện tích 0,5ha, trồng được 250 cây, hiện đã được hơn 01 năm tuổi. Sau khi được tập huấn kỹ thuật về trồng cây chanh không hạt này, tôi thấy cũng dễ trồng và chăm sóc, đặc biệt có thể chống chịu được với tình hình khô hạn hiện nay, không cần phải tưới nhiều nước, khoảng 2 - 3 ngày tưới một lần cũng được. Hiện tại, chanh không hạt của gia đình tôi đã cho trái, nhưng vì mới cho trái đợt đầu tiên và không muốn để ảnh hưởng đến khả năng phát triển của cây trong thời gian sau này nên tôi đã cắt bỏ trái đợt đầu. Kỹ sư nông nghiệp của huyện cũng thường xuyên đến để theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc cây và tôi cũng thực hiện theo, mong muốn đạt được hiệu quả năng suất cao. Tôi thấy, mô hình này rất hay, hỗ trợ bà con nông dân trong sản xuất, từ cây giống, phân bón đều do nhà nước đầu tư, thậm chí hướng dẫn tận tình về kỹ thuật, tôi chỉ cất công chăm sóc nên phải cố gắng thực hiện để không phụ sự giúp đỡ của địa phương. Nếu không có mô hình này thì chắc gia đình tôi đã ban đất ra để làm vuông tôm rồi”.
Quy trình trồng chanh không hạt được người dân quan tâm, chăm sóc từng khâu để đạt hiệu quả, năng suất cao.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất mía được huyện Thới Bình triển khai tuy mới hơn 01 năm, nhưng bước đầu đã thấy được hiệu quả. Điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước ở huyện tương đối phù hợp cho chanh không hạt sinh trưởng, phát triển, nhất là địa bàn 02 xã Biển Bạch Đông và Trí Lực.
Chủ nhiệm dự án trồng chanh không hạt huyện Thới Bình Dương Minh Thư, cho biết: “Để có thể triển khai mô hình trồng chanh không hạt, chúng tôi đã mua 5.000 cây giống từ Hợp tác xã dịch vụ cây giống Đại Thành (Bến Tre) về trồng tại 02 xã Biển Bạch Đông và Trí Lực. Mô hình này được triển khai vào tháng 11/2018, chúng tôi sẽ tiến hành nghiệm thu đánh giá kết quả vào tháng 5/2020. Để đảm bảo đầu ra sản phẩm, chúng tôi có trao đổi hợp tác với Nông trại Hải Âu (Long An) và được đơn vị đồng ý bao tiêu toàn bộ sản phẩm chanh không hạt với điều kiện người trồng phải tuân thủ theo đúng quy trình, kỹ thuật. Với mô hình này, chúng tôi mong muốn người dân trên địa bàn huyện sẽ không phá bỏ đất trồng mía để chuyển sang nuôi tôm, thay vào đó sẽ chuyển đổi sang giống cây trồng khác và đó chính là cây chanh không hạt”.
Dự án sản xuất thử nghiệm mô hình trồng chanh không hạt tại xã Biển Bạch Đông và Trí Lực của huyện Thới Bình nhằm tạo ra mô hình mẫu để nhân rộng, phát triển sản xuất trên quy mô lớn, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng diện tích sản xuất, cải thiện cuộc sống cho người dân, vươn lên ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững, cho biết: “Trước khi triển khai mô hình trồng chanh không hạt, chúng tôi có đi khảo sát thực tế tại các tỉnh trồng chanh không hạt như Hậu Giang, Long An,.. thấy được trái có năng suất cao và khá ổn định nên về triển khai thử nghiệm tại địa phương. Do huyện Thới Bình có diện tích trồng mía tương đối lớn, nhưng vì gặp khó khăn trong sản xuất nên bà con không trồng mía nữa. Để tận dụng các bờ liếp mía của bà con còn bỏ trống trước khi ban ra nuôi tôm, chúng tôi muốn triển khai thử nghiệm mô hình trồng chanh không hạt. Sau khi nghiệm thu kết quả, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá và rút kinh nghiệm. Nếu mô hình thành công sẽ mở rộng diện tích cho các hộ lân cận trong vùng dự án, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống kinh tế cho người dân”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn