1. Kỹ thuật chọn lợn cái hậu bị bố mẹ:
a. Ngoại hình
Chọn lợn cần phải chọn những con cái có nguồn gốc, lý lịch rõ ràng. Không chọn những con mà bố mẹ không đạt phẩm giống. Ngoại hình phải mang những nét đặc trưng của giống, các bộ phận của cơ thể liên kết hài hoà với nhau.
– Lông da: Màu lông đặc trưng cho giống, da nhẵn, láng, không xù xì, không mắc bệnh ngoài da.
Với lợn trắng như Landrace, Yorkshire lông phải thưa, da mỏng, hồng hào.
– Đầu cổ: Cổ không quá ngắn, liên kết chắc chắn với phần thân. Đầu cổ linh hoạt.
– Hầu ngực: Ngực rộng, hầu khô, không mỡ. Không chọn lợn ngực lép.
– Lưng: Lưng thẳng hoặc hơi cong, dài và rộng (tuỳ từng giống), liên kết chặt chẽ với vai và mông, không chọn con lưng võng.
– Đùi chân: Mông vai chắc chắn, mông nở, đùi dài, bề mặt rộng, đầy đặn, không chọn con đùi lép. 4 chân trụ phải cao, to, thẳng, vững chãi, cổ chân ngắn. Không chọn những con chân nhỏ, yếu, đi bằng bàn, chân hình chữ O, chữ X, chân vòng kiềng.
– Móng: Chọn những con có móng bằng, 2 ngón chân to, không chọn những con có móng choẽ, doãng rộng, móng hà nứt.
– Đuôi: Khấu đuôi to.
– Âm hộ: Cân đối, không chọn những con âm hộ bé, dị tật.
– Vú: Núm vú nổi rõ, chọn con có từ 12 vú trở lên. Không chọn những con có vú kẹ, khoảng cách không đều.
b. Thời điểm chọn lợn
– Chọn lợn lần 1: Khi lợn được 65 – 75 ngày tuổi (25 – 30 kg), chọn căn cứ vào nguồn gốc và ngoại hình.
– Chọn lợn lần 2: Khi lợn được 180 – 185 ngày tuổi (85 – 95 kg), chọn lại về mặt ngoại hình đồng thời căn cứ vào chỉ tiêu độ dày mỡ lưng (12 – 17 mm), khả năng tăng khối lượng trung bình/ngày (500 – 650 g/ngày).
– Chọn lợn lần 3 khi lợn được 210 ngày tuổi, chọn lại chân, móng, cơ quan sinh dục lần cuối và đưa vào phối giống. Những con 10 tháng tuổi vẫn chưa động dục thì loại thải.
* Lưu ý: Cần chọn lọc thường xuyên, loại thải kịp thời những con không đạt chỉ tiêu trong quá trình nuôi hậu bị. Lợn cái hậu bị sau khi chọn lần 2 sẽ được cho ăn khẩu phần ăn hạn chế (thức ăn lợn chửa, định mức 2,5 kg/ngày), sau khi phối giống sẽ chăm sóc nuôi dưỡng theo quy trình lợn chửa.
2. Kỹ thuật chăn nuôi lợn bố mẹ giai đoạn hậu bị
a. Chuồng trại nuôi lợn
– Chuồng trại được phun sát trùng trước khi nhận lợn, chuồng lợn sạch sẽ, thoáng mát.
– Vệ sinh máng ăn, nền chuồng hàng ngày.
b. Chăm sóc nuôi dưỡng
– Kiểm tra đàn lợn: Lượng thức ăn thu nhận, máng ăn, vòi uống, tình trạng sức khỏe.
– Kiểm tra động dục, phối giống, ghi chép diễn biến động dục với sự có mặt của lợn đực 2 ngày/lần vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều.
– Tắm cho lợn: Mùa nóng tắm cho lợn ngày 2 lần.
– Cho lợn ăn ở giai đoạn hậu bị: + Lợn cái hậu bị < 60 kg ăn thức ăn cho lợn thịt giai đoạn 2: ăn tự do.
+ Lợn cái hậu bị từ 60 kg đến < 100 kg ăn thức ăn cho lợn thịt giai đoạn 3: ăn tự do.
+ Lợn cái hậu bị ≥ 100 kg ăn thức ăn cho lợn chửa: 2,5 – 2,7 kg.
– Nước uống: nước giếng khoan có khử trùng – Lợn cái hậu bị được phối giống vào lần động dục thứ 2 trở đi, tuổi phối giống đạt 7,5 tháng, khối lượng đạt 120 kg.
– Loại thải những lợn cái hậu bị trên 10 tháng tuổi chưa phối giống được.
c. Thú y phòng bệnh
– Vệ sinh phòng bệnh: Vệ sinh chuồng trại và thiết bị chăn nuôi (vệ sinh cơ học và tiêu độc khử trùng), vệ sinh thức ăn và nước uống…
– Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho lợn cái hậu bị theo lịch trình:
Nguồn: nguoichannuoi.vn