Sử dụng đệm lót sinh học giúp giảm chi phí, tăng năng suất cho người chăn nuôi.
Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có khoảng 4,5 triệu con gia cầm, trong đó, gà có trên 3,1 triệu con với lượng chất thải chăn nuôi ra môi trường hàng ngày khoảng 300 tấn. Nếu không có biện pháp xử lý tốt chất thải trong chăn nuôi thì hậu quả ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng dân cư.
Việc áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật mới, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm… đang là nhu cầu cần thiết của người chăn nuôi hiện nay. Vì vậy, giải pháp chăn nuôi bằng đệm lót sinh học giúp nông dân bảo vệ tốt môi trường, chăn nuôi được ở nơi đông dân cư, giúp giảm thiểu mùi hôi, rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế bệnh tật.
Để làm đệm lót sinh học thường có hai cách đó là rắc men vi sinh trực tiếp lên đệm lót hoặc tiến hành nhân men vi sinh sau đó mới rắc lên đệm lót. Đệm lót được làm từ các nguyên liệu có độ xơ cao, có độ trơ cứng không dễ bị làm mềm nhũn, không độc, không gây kích thích đối với gà như: mùn cưa, vỏ bào của các loại gỗ, vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô nghiền, vỏ hạt bông, thân cây bông, bã mía, xơ dừa…
Ông Vũ Thái Ninh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, đệm lót sinh học được Trung tâm triển khai thí điểm từ năm 2014 tại 06 hộ chăn nuôi gà, lợn tại các huyện Yên Phong, Quế Võ và thị xã Từ Sơn. Đến nay, có khoảng 30 hộ chăn nuôi trang trại trên địa bàn tỉnh, sử dụng đệm lót sinh học. Ưu điểm của việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi là góp phần giảm thiểu đáng kể mùi hôi từ chất thải và hô hấp ở gà, hạn chế lượng chất thải ra môi trường xung quanh. Đồng thời, tăng cường quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn giúp tăng sức đề kháng đối với bệnh dịch ở gà, hạn chế các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và tránh lây lan dịch bệnh ở mức thấp nhất, tạo ra thực phẩm sạch với mùi vị thơm ngon; giảm lao động, công dọn chuồng, tiết kiệm chi phí nhất là bảo vệ môi trường chuồng nuôi và khu vực dân cư xung quanh.
Tuy nhiên, do đệm lót luôn sinh nhiệt, nhất là trong mùa hè nên việc chống nóng cho chuồng trại là rất cần thiết. Hệ thống chuồng trại cần lắp đặt các quạt thông gió, quạt hơi nước. Trong trường hợp không có biện pháp chống nóng tốt thì có thể sử dụng đệm lót mỏng, định kỳ thay mới trong những tháng nóng nhất. Người chăn nuôi cũng cần lưu ý mua men vi sinh tại các cơ sở uy tín để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.
Có kinh nghiệm 26 năm trong nghề chăn nuôi, song phải đến năm 2018 đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tầm, thôn Lai Đông, xã Trung Chính, huyện Lương Tài mới biết đến và áp dụng đệm lót sinh học. Chỉ với 300.000 đồng bao gồm: 20kg rỉ mật đường, nửa cân men gốc trộn với 120ml nước và ủ trong 1 tuần. Sau đó được mang phun trực tiếp vào đệm lót đã giúp gia đình ông xử lý hiệu quả, an toàn 3 chuồng nuôi với diện tích 1.200m2. So với phương pháp truyền thống cũ là rắc trấu, cách làm này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn, không làm ảnh hưởng đến môi trường, bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Tầm chia sẻ: “Bên cạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, bổ sung các loại thuốc để tăng sức đề kháng cho gà, việc sử dụng đệm lót sinh học còn đảm bảo môi trường chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh. Đồng thời, giúp tận dụng được các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón tốt cho cây trồng, làm giảm chi phí đầu tư trong trồng trọt như chi phí phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; tiêu hủy các mầm bệnh có trong phân chuồng; phân hủy các hợp chất hữu cơ, khó tiêu thành dễ tiêu; làm tăng độ phì nhiêu của đất và có tác dụng cải tạo đất tốt”.
Chăn nuôi trên đệm lót sinh học hoặc ứng dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi là việc làm thiết thực góp phần cải thiện môi trường sống, thay đổi tập tục chăn nuôi và cải thiện đời sống của người dân. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục tổ chức tập huấn, trao đổi kỹ thuật, tham quan mô hình để nhân rộng tới các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hướng tới chăn nuôi bền vững./.