Mô hình nuôi lươn không bùn tiết kiệm nhiều chi phí, dễ quản lý, chăm sóc, nhu cầu tiêu thụ loại lươn này rất lớn, tận dụng được diện tích đất nhỏ trong gia đình để nuôi.
Với sự hướng dẫn của Hội Nông dân huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), tổ liên kết nuôi lươn không bùn gồm 6 thành viên (đều là cán bộ hội) đã được thành lập. Anh Trần Như Hổ - Tổ trưởng tổ liên kết nuôi lươn không bùn cho biết: Sau khi vận động đóng góp vốn, chúng tôi đã vào huyện Hóc Môn (TP.HCM) mua giống lươn về nuôi. Tháng 9.2013, chúng tôi đã mua 300kg giống với gần 6.000 con giống về thả nuôi. Vừa nuôi, vừa tìm hiểu các thông tin kỹ thuật để áp dụng, mô hình “nuôi lươn không bùn” của tổ liên kết đạt năng suất rất cao.
Mô hình nuôi lươn của tổ liên kết nuôi “lươn không bùn”.
Tổ liên kết vừa xuất bán vụ đầu tiên với trọng lượng 1,4 tấn, giá bán thịt giao động từ 120.000 – 140.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi 58 triệu đồng. Ngoài bán thịt, tổ liên kết còn bán giống cho bà con nông dân với 3 loại giá và đem lại nguồn thu ổn định. Hiện tổ liên kết đã tiếp tục thả nuôi lươn được trên 1 tháng tuổi. Lươn đang trong giai đoạn phát triển rất tốt.
Về kỹ thuật nuôi cũng như cách chăm sóc và cho lươn ăn, anh Trần Như Hổ chia sẻ thêm: Mỗi ngày cho lươn ăn 1 lần vào thời gian 5 giờ chiều, thức ăn chủ yếu các loại cá tươi về xay nhuyễn cho lươn ăn, sau khi cho ăn khoảng 2- 3 giờ sau thay nước. Với lươn có trọng lượng 20 con/kg nuôi vào thời tiết không lạnh, khoảng 4 tháng cho thu hoạch và thời tiết lạnh khoảng 4,5 tháng cho thu hoạch, mật độ nuôi 400 con/m2, mức nước đảm bảo 40cm, nhiệt độ để lươn phát triển từ 22 – 27 độ C, phía trên được che độ mát bởi lưới Thái Lan hoặc che bạt và phải ngăn cản được nước mưa, không làm ảnh hưởng đến lươn. Phía dưới hồ nuôi được lát gạch men.
Anh nói : “Lươn nuôi rất đơn giản, nuôi theo mô hình lươn không bùn tiết kiệm nhiều chi phí, dễ quản lý, chăm sóc, nhu cầu tiêu thụ loại lươn này rất lớn, tận dụng được diện tích đất nhỏ trong gia đình để nuôi”. Bí quyết thành công, để đem lại thành công trong mô hình này phải thường xuyên theo giỏi lươn phát triển để có biện pháp cho ăn, chăm sóc. Mô hình này vừa được tập huấn cho nông dân huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), điểm nghiên cứu cho nhiều sinh viên Trường Đại học Nha Trang và là điểm cung cấp giống cho nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Tổ liên kết nuôi lươn bùn vừa mở rộng thêm 10m2 diện tích nuôi lươn. Bên cạnh hệ thống nuôi lươn, tổ liên kết cũng thiết kế ao nuôi cá để tận dụng các thức ăn thừa từ nuôi lươn. Mô hình nuôi lươn không bùn đã góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho các cán bộ hội viên Hội Nông dân và đặc biệt cung cấp nguồn giống, thịt tin cậy cho các hộ nông dân và các nhà hàng, khách sạn.
Nguồn: Trang Trại Việt