Qua theo dõi một số thông tin chuyên ngành thì loài cá chạch có xương mềm (xương sụn) này có tên khoa học là Macrognathus aculeatus, nhưng có tài liệu lại ghi tên khoa học là Misgurnus anguillicaudatus. Theo Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ban hành ngày 02/05/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh thì trong 199 loài cá nước ngọt được phép sản xuất, kinh doanh thì không có giống cá chạch nào có tên là cá chạch sụn hoặc cá chạch quế với tên khoa học là Macrognathus aculeatus hoặc Misgurnus anguillicaudatus. Chỉ có các giống cá nuôi nước ngọt được phép sản xuất, kinh doanh là:
- Cá Chạch (Mastacembelus),
- Cá Chạch bông (Chạch lấu) (Mastacembelus (armatus) favus),
- Cá Chạch khoang (Mastacembelus circumceintus),
- Cá Chạch lá tre (còn gọi là Chạch gai) (Macrognathus aculeatus),
- Cá Chạch rằn (Mastacembelus taeniagaster),
- Cá Chạch sông (Mastacembelus armatus),
- Cá Chạch khoang (còn gọi là cá heo mắt gai) (Pangio kuhlii).
Như vậy, theo Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN thì cá chạch có tên khoa học Macrognathus aculeatus hoặc Misgurnus anguillicaudatus là loài cá chạch không có tên trong danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Bên cạnh đó, do cá chạch có xương sụn (sau đây gọi là cá chạch sụn) là loài cá mới xuất hiện trên thị trường và có đặc điểm là xương mềm khác với một số loài cá chạch đã có mặt ở thị trường trước đây nên nó gây sự hiếu kỳ cho người tiêu dùng. Và loài cá này nhanh chóng có mặt ở nhiều quán ăn, nhà hàng với giá bán trên dưới 300.000 đ/kg. Với giá bán cao nên một số hộ nuôi thủy sản đã mạnh dạn đầu tư nuôi thương phẩm loài thủy sản mới này trước tình hình một số đối tượng nuôi thủy sản khác kém hiệu quả.
Nhưng do thị trường tiêu thụ có giới hạn nên một số hộ nuôi cá chạch sụn hiện nay đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Theo thông tin từ một số hộ nuôi cá chạch sụn ở tỉnh Đồng Tháp thì hiện nay giá bán chỉ còn 100.000 – 120.000 đ/kg nhưng có hộ nuôi vẫn không có thương lái đến mua.
Với những thông tin, các hộ nuôi thủy sản nếu có ý định phát triển nuôi loài cá này thì cần tham khảo thông tin thị trường để tránh gặp phải trường hợp tiêu thụ khó khăn như nuôi cá rô đầu vuông hoặc cá lăng nha đã xảy ra trong thời gian qua. Thiết nghĩ, mạng lưới khuyến ngư cần có những thông tin về thị trường tiêu thụ và đầu ra của loài cá này để có những khuyến cáo kịp thời nhằm tránh những thiệt hại do thua lỗ cho người nuôi.
Hiện nay loài cá chạch với đặc tính có xương mềm này có nhiều tên gọi khác nhau như là cá chạch sụn hoặc cá chạch bùn, cá chạch đồng hay còn gọi là cá chạch quế và có khi còn gọi là cá chạch sụn Đài Loan, có thông tin cho là cá chạch bùn còn gọi là cá chạch quế nhưng cũng có thông tin cho là cá chạch bùn và cá chạch quế có hình dáng và cấu tạo xương khác nhau.Vì vậy, rất cần các nhà khoa học có thêm những thông tin về định danh, nguồn gốc và các đặc điểm hình thái phân loại các loài cá chạch nêu trên để xác định là các tên gọi trên là cùng một loài hay là nhiều loài khác nhau để tránh nhầm lẫn cho người tiêu dùng và gây thiệt hại cho người nuôi trong việc lựa chọn giống cá chạch để nuôi.
Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn