Một trang trại nuôi bò Kobe - loại bò trứ danh thế giới có nguồn gốc từ Nhật Bản với quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, cho bò nghe nhạc, uống bia, massage… đã xuất hiện giữa vùng đồi núi bao la ở xứ trà B’Lao (Lâm Đồng).
Trại bò Kobe ở xứ trà
Trang trại nuôi bò Kobe đầu tiên ở Việt Nam thuộc thôn 9, xã Tân Lạc (H.Bảo Lâm, Lâm Đồng). Anh Nguyễn Trí Đức Vũ (39 tuổi), Giám đốc Công ty cổ phần bò Kobe Việt Nam, cho biết: Công ty được thành lập năm 2009 từ sự hợp tác của Việt Nam và Nhật Bản với tỉ lệ 50 - 50. Ban đầu công ty định nhập bò Kobe từ Úc về nuôi, nhưng điều kiện của họ đưa ra quá khó, công ty không đáp ứng được nên chuyển hướng sang nhập tinh bò Kobe từ Mỹ (40 USD/liều tinh) về phối giống với bò sữa cho ra bò Kobe F1. Năm 2011, công ty đưa 120 con bò sữa (nhập 100con từ Thái Lan, 20 con ở Việt Nam) về nuôi và cách ly, kiểm dịch sau đó bắt đầu phối tinh. Đến nay, đã có gần 80con bò Kobe F1 ra đời từ việc phối giống này với độ tuổi từ 1 tháng đến 26 tháng.
“Nuôi bò Kobe khó khăn lắm, chuồng trại thì bình thường nhưng quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Thức ăn gồm các thành phần khác nhau từ tự nhiên như gạo tấm, bắp ủ chua, cỏ, hèm bia, bã đậu nành, khô dầu đậu phụng, khoai lang… và phải được phân tích các chỉ tiêu về độ khô, độ béo, độ đạm, chất xơ, canxi, phốt pho, vitamin… Những việc này xong, chúng tôi gửi cho các chuyên gia Nhật xem và tổng hợp ra một công thức riêng cho từng độ tuổi của bò, kể cả con đực, con cái ăn theo công thức nào cho phù hợp và việc cho ăn diễn ra cả ngày. Các chuyên gia Nhật mỗi năm sang trang trại khoảng 3 - 4 lần để xem, đánh giá tốc độ phát triển đàn, kiểm tra lại thức ăn, quy trình, kỹ thuật chăn nuôi và đưa ra chuẩn mới”, anh Vũ cho hay.
Bò nghe nhạc, massage…
Anh Vũ cho biết hằng ngày đều phải cho bò nghe nhạc suốt để cho chúng thư giãn và tạo thói quen khi ăn, đồng thời để bò không bị ảnh hưởng bởi những tiếng động bên ngoài và tạo sự thân thiện giữa người nuôi với chúng. Bò Kobe phải nuôi khoảng 32 tháng, trọng lượng chừng 800 - 1.000 kg mới xuất chuồng. Khó khăn nhất trong việc nuôi là lúc bò dưới 4 tháng tuổi và lúc từ 28 tháng tuổi trở lên. Việc cho bò nghe nhạc còn để giúp tạo thói quen ăn trong giai đoạn vỗ béo (4 tháng cuối), bởi giai đoạn này bò rất biếng ăn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thịt, vì vậy tập cho bò thói quen ấy để sau này chỉ cần có tiếng nhạc là nó tự lại máng để ăn.
“Trong giai đoạn vỗ béo, các chuyên gia Nhật sẽ sang chuyển giao cách tắm rửa và massage cho bò. Massage bằng tay để đánh tan lớp mỡ dưới da và chuyển chúng vào phân bố đều ở các thớ thịt mới đạt chất lượng. Hơn nữa, giai đoạn này còn phải cho bò uống bia để bổ sung năng lượng và tùy vào thể trạng bò như thế nào mà các chuyên gia sẽ cho uống liều lượng phù hợp. Chỉ khi xẻ thịt bò mới biết chất lượng đạt hay không nên quá trình nuôi rất khó khăn”, anh Vũ nói.
Hiện Công ty đã đầu tư vào trang trại khoảng 40 tỉ đồng, hơn nửa năm nữa lứa đầu tiên mới xuất chuồng, mỗi con đạt 400 - 500 kg thịt, bán với giá 100 USD/kg (thị trường Nhật 170 USD/kg), như vậy mỗi con bò Kobe cũng được cả tỉ đồng.
“Trong thời gian tới công ty sẽ phát triển đàn lên 900 con (500 bò sữa, 400 con bò Kobe), đồng thời tạo ra nhiều bò Kobe F1, F2, F3 và chuyển giao cho dân nuôi gia công từ lúc bò 4 tháng tuổi, đến sau 26 tháng tuổi sẽ thu lại để vỗ béo. Cùng với đó sẽ xây dựng lò mổ tại trang trại để ai cũng có thể đến đấu giá mua thịt bòKobe…”, Vũ cho biết.
Gia Bình/ Báo Thanh Niên