Quản lý cho ăn một cách khoa học
Thức ăn chiếm tới 50 - 55% chi phí sản xuất trong nuôi tôm. Một mặt, tôm cần có thức ăn để đủ nguồn dinh dưỡng cho hoạt động thường ngày và phát triển. Mặt khác, không phải 100% thức ăn đưa vào môi trường sẽ được tôm sử dụng. Chỉ có một phần các chất dinh dưỡng có trong thức ăn được chuyển hóa thành mô thịt của tôm nuôi. Phần còn lại ở dưới dạng thức ăn thừa hoặc chất thải của tôm, khiến môi trường nước dễ bị ô nhiễm, phát sinh nhiều bất lợi trong quá trình nuôi hoặc gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh khi chất thải nuôi tôm được thải bỏ vào cuối vụ. Thức ăn thừa khi phân hủy sẽ tiêu tốn ôxy hòa tan. Càng về cuối vụ nuôi, lượng thức ăn cho xuống ao mỗi ngày càng lớn thì nhu cầu ôxy của ao càng cao. Công suất của toàn bộ hệ thống quạt nước hoặc sục khí phải được nâng lên tương ứng theo tỷã lệ 12 kg thức ăn/CV.
Người nuôi tôm trước hết cần lựa chọn nhà cung cấp thức ăn có uy tín, giữ được chất lượng ổn định qua thời gian. Thức ăn của các công ty lớn thường được sản xuất và phân phối liên tục, không bị tồn kho sẽ có chất lượng tốt hơn. Tại cơ sở nuôi, nên bố trí một khu vực riêng biệt, thoáng mát, chuột bọ không xâm nhập được để tạm trữ thức ăn. Tuyệt đối không để thức ăn bị ẩm hoặc lên mốc. Nếu không có điều kiện thì nên mua dần từ kho của đại lý ở gần trại nuôi.
Mỗi giai đoạn phát triển của tôm cần loại thức ăn có cỡ hạt và thành phần dinh dưỡng phù hợp. Khẩu phần ăn của tôm được xác định và điều chỉnh dựa theo sự phát triển của tôm hàng ngày. Người nuôi nên lấy bảng hướng dẫn cho ăn của công ty sản xuất thức ăn làm cơ sở thực hiện, điều chỉnh lượng cho ăn hàng ngày bằng cách đặt nhá, theo dõi chất lượng nước và tình trạng sức khỏe của tôm. Khi quy trình đã ổn định, nên sử dụng máy cho ăn tự động.
Lượng thức ăn đưa xuống ao hàng ngày (thường gọi là khẩu phần ăn) phụ thuộc vào kích cỡ của tôm và tổng khối lượng của đàn tôm trong ao. Khi tôm còn nhỏ, người nuôi phải ước lượng; lúc tôm đủ lớn thì sử dụng chài để xác định cỡ tôm và ước tính tỷ lệ sống; từ đó, tính ra lượng tôm có trong ao và lượng thức ăn cần thiết trong ngày, tránh cho ăn thừa. Ví dụ: Ao nuôi có tôm đạt cỡ 200 con/kg, tỷ lệ sống ước tính 85% của 320.000 con thả lúc ban đầu thì tổng khối lượng tôm có trong ao tại thời điểm hiện tại sẽ là (320.000/200)x85% = 1.360 kg. Đối chiếu vào bảng hướng dẫn cho ăn, lượng thức ăn cần sử dụng trong ngày là (1.360 x 4,5%) = 61,2 kg hay 15,3 kg/cữ nếu cho ăn 4 cữ/ngày. Lượng thức ăn cụ thể của từng cữ có thể được điều chỉnh theo kinh nghiệm của người nuôi và điều kiện cụ thể. Việc gây màu nước, phát triển thức ăn tự nhiên trong ao nuôi tôm sẽ giúp tôm phát triển tốt và giảm chi phí thức ăn trong tháng đầu tiên. Ở những tháng tiếp theo, cần lưu ý áp dụng quy tắc giảm lượng thức ăn cho tôm ăn so với nhu cầu thực của chúng.
Quy tắc này giúp cho tôm sử dụng hết thức ăn đưa xuống ao, tránh dư thừa, gây ô nhiễm nước, phát sinh bệnh dịch. Tôm sẽ luôn ham bắt mồi và chi phí thức ăn được tiết kiệm đáng kể. Khi điều kiện môi trường hoặc sức khỏe của tôm nuôi có dấu hiệu biến động theo chiều hướng xấu, cần giảm ngay lượng thức ăn đưa xuống ao. Tương tự như vậy, vào mùa nắng nóng cần chủ động ấn định lượng thức ăn ở mức thấp, không nên cho tôm ăn theo nhu cầu vì rất dễ gây ô nhiễm nước.
Việc áp dụng quản lý cho ăn một cách khoa học sẽ giúp người nuôi giảm bớt chi phí nuôi, còn ảnh hưởng đến chất lượng nước hay còn được gọi là môi trường sống của đàn tôm. Quản lý môi trường sống tốt, quản lý việc cho ăn hợp lý và khoa học giúp đang tôm phát triển tốt sẽ giúp người dân đạt nhưng kết quả tốt, những vụ mùa bội thu.
Hãy đồng hành cùng Skretting Vietnam trong những chặng đường thành công sắp tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn