Ruộng rau thành điểm thực hành
Ông Đỗ Văn Ruộng, Phó chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Hà Hồi, cho biết: “Mô hình trồng RAT được triển khai ở Hà Hồi từ năm 2010. Xã hiện có 80ha sản xuất RAT”.
Để sản xuất RAT theo đúng quy trình kỹ thuật, HTX Nông nghiệp Hà Hồi đã phối hợp cùng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.Hà Nội mở các lớp tập huấn về biện pháp sản xuất RAT theo quy trình VietGAP cho nông dân. Những gì bà con đã học được trực tiếp áp dụng ngay trên ruộng rau nhà mình.
“Mỗi năm, HTX mở 3-4 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất RAT cho bà con, mỗi lớp kéo dài 3,5 tháng. Hiện, xã có 806 hộ được cấp chứng chỉ của lớp tập huấn do HTX mở và 105 hộ có chứng chỉ của lớp tập huấn do Hội Nông dân cấp. Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố cũng thường xuyên, đột xuất về kiểm tra cánh đồng rau và tất cả các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã”.
Vùng sản xuất RAT của Hà Hồi trồng nhiều loại rau như: cải bắp, su hào, bầu, bí, thìa là, hành, cải ngọt, xà lách, mùi… Đặc biệt, nông dân Hà Hồi đã đầu tư làm nhà lưới sản xuất RAT. Bà con cũng thường xuyên thay đổi cơ cấu cây trồng và lựa chọn các loại cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường để đạt được lợi nhuận cao nhất.
Thu nhập tăng, sức khỏe đảm bảo
Trồng RAT không chỉ giúp nông dân Hà Hồi tăng thu nhập mà còn giúp người trồng rau và người tiêu dùng đảm bảo sức khỏe.
Là một trong những hộ tham gia trồng RAT đầu tiên của xã, bà Đinh Thị Trình cho hay: “Gia đình tôi có hơn 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) canh tác RAT. Mùa nào rau nấy, vụ này, gia đình tôi chủ yếu trồng rau gia vị như hành, mùi, xà lách… Trồng rau an toàn khác với cách trồng rau thông thường là chỉ sử dụng phân bón vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật có trong danh sách được phép sử dụng, như vậy sức khỏe của chúng tôi cũng như người tiêu dùng mới được đảm bảo”.
Ông Ruộng cho biết thêm: “Từ khi trồng RAT, thu nhập của nông dân Hà Hồi tăng lên nhanh chóng. Trên cùng một đơn vị diện tích, nếu trồng RAT thì thu nhập của bà con tăng gấp 10 lần so với trồng lúa và tăng gấp 3 lần so với trồng rau bình thường. Trừ chi phí, mỗi năm bà con lãi 150 triệu đồng/ha”.
Cũng là một trong những hộ tham gia trồng rau an toàn đầu tiên của xã, bà Trịnh Thị Chiến phấn khởi chia sẻ: “Nếu như trước đây, giá bán các loại rau trồng theo cách truyền thống chỉ dao động trong khoảng 2.000- 3.000 đồng/bó thì giờ đây, khi làm RAT, giá là 4.000- 5.000 đồng/bó. Tính ra mỗi ngày tôi thu về hơn 100.000 đồng từ bán rau”. Kết thúc vụ rau với diện tích hơn 2 sào, bà Chiến thu về 20-25 triệu đồng.
Như vậy, sản xuất RAT đã có tác động rất lớn đến việc bảo vệ môi trường, hạn chế đáng kể tình trạng ô nhiễm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm do việc dùng hóa chất bừa bãi, không đúng kỹ thuật. Ngoài ra, trồng RAT còn tăng hệ số sử dụng đất, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và phù hợp với xu thế đô thị hóa.
Tuấn Nguyễn
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn