Tỉnh sẽ lựa chọn các hộ sản xuất điển hình để xây dựng mô hình, thực hiện đào tạo tại chỗ kết hợp tham quan, hướng dẫn trực tiếp |
Theo Đề án, giai đoạn 2013 - 2015, Hà Tĩnh hình thành 50 cơ sở sản xuất nấm có quy mô từ 200m2 lán trại trở lên, trong đó có 20 cơ sở có khả năng sản xuất và cung ứng bịch nấm trên địa bàn; hình thành 8 - 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến sản phẩm từ nấm, đồng thời hình thành Trung tâm nấm của tỉnh (tiền đề để chuyển đổi sang hình thức hoạt động doanh nghiệp khoa học và công nghệ) đáp ứng được việc sản xuất và cung ứng giống trên địa bàn. Tổng sản lượng dự kiến đạt 1.500 - 2.000 tấn nấm tươi các loại với giá trị đạt từ 30 - 40 tỷ đồng;
Giai đoạn 2016 - 2020, chuyển đổi phương thức hoạt động Trung tâm nấm của tỉnh theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập và Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KHCN; giữ nguyên các cơ sở của giai đoạn trước, mở rộng và đầu tư phát triển thêm về số lượng, chất lượng, đồng thời hình thành mới 300 cơ sở sản xuất nấm có quy mô từ 200m3 lán trại trở lên, trong đó 200 cơ sở có khả năng sản xuất và cung ứng bịch nấm; hình thành mới 20 doanh nghiệp thu mua và chế biến sản phẩm từ nấm tươi. Tổng sản lượng dự kiến đạt từ 20 - 25 ngàn tấn nấm tươi các loại với giá trị đạt khoảng 400 - 450 tỷ đồng.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa ra 9 nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cây nấm vào hệ thống cây trồng đối với các vùng sinh thái; quy hoạch trung tâm sản xuất giống nấm, bịch phôi nấm ở các địa phương để cung cấp cho các trang trại, doanh nghiệp, nông hộ sản xuất nấm thương phẩm; thành lập doanh nghiệp KHCN về nấm, trước mắt là nâng cấp Trung tâm Nấm của tỉnh (thuộc Sở KH&CN); vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức kinh tế đầu tư sản xuất nấm quy mô công nghiệp, xây dựng và hình thành các doanh nghiệp chuyên sản xuất và chế biến nấm; lựa chọn các hộ sản xuất điển hình để xây dựng mô hình, thực hiện đào tạo tại chỗ kết hợp tham quan, hướng dẫn trực tiếp, đồng thời đào tạo ngắn hạn nghề làm nấm cho các doanh nghiệp, trang trại, HTX, chi hội công dân, nhóm hộ và nông hộ...
Về tiêu thụ sản phẩm: trước mắt, thông qua Trung tâm Nấm của tỉnh để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp - Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam), đồng thời tiếp tục khai thác các khách hàng lớn khác và liên hệ xuất khẩu; tổ chức xây dựng mạng lưới giới thiệu, quảng bá sản phẩm phục vụ tiêu dùng tại chỗ; đăng ký chất lượng, mã số, mã vạch và tiến tới xây dựng thương hiệu Nấm Hà Tĩnh, liên kết với các siêu thị để bao tiêu sản phẩm...
HƯƠNG ANH (baohatinh.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn