Bước ngoặt mới
Có nhiều lý do khiến người dân không mấy mặn mà với vụ đông. Hằng năm, sản xuất vụ đông diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12, khoảng thời gian tập trung lượng mưa nhiều nhất trong năm. Hơn nữa, đây còn biết đến là “đỉnh” của bão lũ, đã bao nhiêu năm người nông dân phải chứng kiến cảnh của cải, mùa màng theo dòng nước trôi xuống sông xuống bể. Năng suất thấp, rủi ro cao nên trong một thời gian dài các địa phương chỉ coi những sản phẩm của vụ đông chủ yếu để phục vụ cho chăn nuôi là chính. Hoặc, có chăng chúng chỉ được bán trôi nổi ở các chợ, giá cả phập phồng lúc lên lúc xuống. Đó chính là lý do khiến năng suất và sản lượng của cây trồng, vật nuôi vụ đông thường thấp kém hơn các vụ sản xuất khác trong năm.
Giống Lạc L26 tại xã Đức An (Đức Thọ) cho hiệu quả kinh tế cao trong vụ đông 2011 |
Năm 2011, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới (mà vụ đông 2011 là khởi điểm) đã tạo “cú hích” quan trọng cho các địa phương mạnh dạn thử sức với các cây, con mà trước nay vẫn coi là sản phẩm phụ. Theo đó, phương thức canh tác, kỹ thuật được đầu tư ngày càng hiện đại, áp dụng công nghệ cao và thể hiện rõ tính chất hàng hóa. Hàng chục mô hình được đánh giá thành công với giá trị thu lãi lên đến 30- 50 triệu đồng/ha, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho mỗi ha đất như: bắp cải đá (Cẩm Vịnh, Cẩm Bình) Cẩm Xuyên; bí xanh, dưa chuột (Tượng Sơn) Thạch Hà; cà chua và hành tăm (Thiên Lộc, Can Lộc)… Điều đáng nói, những sản phẩm siêu lợi nhuận ấy lại tập trung vào rau củ và hoa. Ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn (Thạch Hà) cho biết: “Qua mấy vụ thu hoạch, giờ đây nghề trồng rau, dưa không còn là nghề phụ lúc nông nhàn nữa, tính ra mỗi sào đất cũng cho thu lãi gấp 3 lần trồng lạc và 6 lần trồng lúa. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng diện tích trong những vụ tiếp theo, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho thành phố và các vùng phụ cận”.
Với bước đà dài và chính sách QĐ 24 của UBND tỉnh vững mạnh, các địa phương sẽ có thêm động lực và niềm tin để tiếp tục đầu tư, phát huy hết tiềm năng lợi thế của vùng. Và bước ngoặt về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ chính là thời cơ để vụ đông giành lấy cơ hội khi thời vụ kéo dài hơn 1 tháng so với trước đây (từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau). Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định: Sự chuyển dịch cơ cấu mà cốt lõi là lấy giống điều hành thời vụ đã thể hiện rõ tính ưu việt và tất yếu. Xóa bỏ trà xuân sớm ở vụ sản xuất đông xuân không chỉ tăng năng suất, sản lượng, đưa nền sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa chất lượng cao mà còn giảm áp lực về thời vụ trong năm. Đây chính là cơ hội cho vụ đông 2012 thể hiện sự bứt phá cả về diện tích lẫn chất lượng cây trồng.
Tín hiệu vui
Vẫn giữ quan điểm sản xuất vụ đông né tránh thiên tai, năm nay ngành chuyên môn định hướng đầu tư vào ngô, khoai lang, lạc và rau củ. Nghe qua thì có vẻ là truyền thống và “bài cũ” nhưng điểm nhấn không nằm ở loại sản phẩm mà là giống cao sản, chất lượng, mang tính hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao. Theo kế hoạch, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 17.242,2 ha, trong đó lớn nhất là ngô với 4.464,5 ha (tập trung ở Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang); lạc 209 ha; khoai lang 7590 ha. Riêng rau hoa, chú trọng đầu tư su hào, bí xanh, dưa chuột, đậu đỗ và hoa cúc, lyly, lay ơn… Về chăn nuôi, lợn, tôm và cá là những sản phẩm chủ lực trong vụ sản xuất này.
Như vậy là, không chỉ khai thác ở các vùng lâu nay có lợi thế, tinh thần sản xuất vụ đông đang được khơi dậy trên toàn tỉnh, đa chủng loại nhưng vẫn mang màu sắc riêng của từng địa phương. Cũng phải nói thêm rằng, các mô hình kinh tế ngày càng thể hiện rõ nét, tư duy làm ăn theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ đã bắt đầu lạc hậu, thay vào đó tổ hợp tác, hợp tác xã vững vàng trên lập trường của một tổ chức để kết nối với thị trường- yếu tố quyết định phần lớn của sự thắng lợi trong sản xuất.
Khoai lang là cây thế mạnh trong vụ đông |
Ông Nguyễn Xuân Đanh, Giám đốc Trung tâm chuyển giao KHCN Thạch Hà cho biết: “Hiện nay, bí xanh ở Thạch Hà có thể cho thu hoạch trên 5 tạ/sào với lãi ròng 15 triệu/ha. Điều quan trọng, chúng tôi đã bắt tay được với các doanh nghiệp tiêu thụ lớn trong và ngoài tỉnh, sản phẩm bí xanh của địa phương đã có mặt tại các đầu mối thương mại của các tỉnh phía bắc. Hứa hẹn thị trường này sẽ đáp ứng đầu ra ổn định trong tương lai”. Hay như ở xã Tượng Sơn, thay vì bán dạo ở chợ như trước, giờ đây người nông dân hoàn toàn yên tâm khi hàng ngày những chuyến xe về tận xã nhập hàng chục tấn rau, củ, quả các loại. Tại Cẩm Xuyên, tinh thần sản xuất vụ đông cũng không kém phần sôi nổi: “Mũi nhọn vụ đông 2012 của Cẩm Xuyên đó là thủy sản, chăn nuôi và mô hình công nghệ cao. Trong đó, huyện sẽ nghiên cứu phương án nhân rộng mô hình nuôi gà theo an toàn sinh học ở xã Cẩm Hòa. Ngoài quy mô lớn, tuân thủ quy trình kỹ thuật chặt chẽ, tại đây đã hình thành được tổ hợp tác, một hình thức sản xuất mới mẻ, hiện đại, tạo cầu nối vững vàng đến các doanh nghiệp trong khâu đầu vào- đầu ra”, Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho biết.
Sản phẩm của vụ đông đã bắt đầu tìm được chỗ đứng trong thị trường, định hướng đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính đã rõ. Song, vụ đông 2012 cũng phải đối mặt với không ít điều bất trắc. Nhiều khả năng lúa hè thu năm nay lại thu hoạch muộn, trong khi 70% lượng mưa cả năm được dự báo sẽ rơi vào khoảng tháng 8 đến tháng 12. Ngoài lòng quyết tâm, các địa phương cần “nới rộng” thêm cơ chế, chính sách, hỗ trợ kịp thời tái sản xuất, nhằm tận dụng hết quỹ đất canh tác cũng như thời vụ sản xuất với mục tiêu tăng giá trị trên đơn vị diện tích.
NGUYỄN OANH
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn