AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CÁC BẾP ĂN BÁN TRÚ
Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố, hiện nay trên địa bàn có 59 cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú cho học sinh, trong đó khối tiểu học có 14 trường, mầm non có 24 trường và 21 nhóm trẻ độc lập, với tổng số có gần 10 ngàn học sinh, giáo viên ăn bán trú tại nhà trường.
Các trường học trên địa bàn đều đã đầu tư xây dựng bếp một chiều, với các trang thiết bị hiện đại. Một số trường đã đầu tư tủ sấy bát đĩa nhằm đảm bảo an toàn khi sử dụng
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường bán trú, ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Hà Tĩnh đã chủ động tham mưu với cấp ủy chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các bếp ăn tập thể như xây dựng nhà bếp, nhà ăn, mua sắm các thiết bị chế biển bảo quản thực phẩm đạt quy chuẩn, đồng thời chỉ đạo các nhà trường làm ký kết với những đơn vị cung cấp thực phẩm phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ lương thực, thực phẩm và có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng.
Trường Tiểu học Nam Hà hiện có hơn 700 học sinh ăn bán trú. Cùng với công tác nâng cao chất lượng giáo dục, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh và cán bộ giáo viên được Ban giám hiệu và trường hết sức coi trọng. Đặc biệt, trong những năm qua được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương, nhà trường đã được đầu tư cơ sở vật chất bếp ăn bán trú khá khang trang, với bếp ăn một chiều, nhà ăn, bếp nấu, khu chế biến và các trang thiết bị được đầu tư quy chuẩn. Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, nhà trường đặt vấn đề quan trọng hàng đầu là công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hằng ngày, Ban giám hiệu cũng như phụ huynh luôn giám sát chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập vào và truy xuất nguồn gốc phải rõ ràng, các loại thực phẩm phải tươi sống, có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng.
Ban Giám hiệu và Cô nuôi trường TH Nam Hà kiểm tra khẩu phần và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bữa ăn bán trú
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, các nhà trường cũng đã ký kết với các cơ sở cung cấp thực phẩm phải lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, từ những cơ sở sản xuất có uy tín, địa chỉ rõ ràng và ký cam kết trách nhiệm về thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không để xẩy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời các nhà trường cũng đã phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh giám sát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các khẩu phần ăn hàng ngày cho học sinh, nhằm đảm bảo đúng định hượng, chất lượng.
Để nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày, các trường cũng đã xây dựng bảng thực đơn hàng tuần, với những món ăn được thay đổi thường xuyên, đảm bảo cân đối nguồn dinh dưỡng cho học sinh. Đặc biệt, nhiều trường học trên địa bàn cũng đã tăng gia sản xuất, xây dựng được các vườn rau sạch, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho các cháu. Điển hình như trường mầm non Thạch Đồng, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã phối hợp với phụ huynh xây dựng được vườn rau không chỉ đủ cung cấp cho 250 cháu và các cô giáo ăn bán trú tại nhà trường mà cung cấp cho một số trường nội thị. Với việc xây dựng được vườn rau an toàn không chỉ là nâng cao khẩu phần ăn hàng ngày cho các cháu và các giáo viên phụ huynh cũng yên tâm hơn về nguồn thực phẩm tự cung tự cấp của nhà trường.
Trường Mầm non xã Thạch Đồng tự túc được nguồn rau sạch cung cấp cho các bữa ăn bán trú của các cháu
Để đảm bảo công tác vệ sinh toàn toàn thực phẩm, tránh các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường ăn uống tại các bếp ăn tập thể, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra thường xuyên, đột xuất tại các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú trên địa bàn. Qua kiểm tra là lấy mẫu test xét nnghiệm, nhìn chung cơ sở có tổ chức ăn bán trú cho học sinh đều chấp hành nghiêm túc quy định về công tác vệ sinh toàn toàn thực phẩm, việc mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo ATTP. Thực hiện đúng, đủ việc lưu mẫu theo quy định; có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, ký cam kết đảm bảo ATTP; cơ sở có bếp ăn đáp ứng quy chuẩn "bếp ăn một chiều" đảm bảo VSATTP; nhiều trường học có nhà ăn riêng sạch sẽ, thoáng mát; nhân viên phụ trách bếp ăn trong các trường học đều được tập huấn kiến thức về VSATTP và được khám sức khoẻ định kỳ...
Một bữa ăn bán trú trong trường học
Nhờ làm tốt công tác quan trọng này, trong những năm học gần đây, các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn thành phố không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, không có dịch bệnh đường tiêu hoá lan truyền qua đường thực phẩm. Tuy nhiên, qua kiểm tra Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố cũng nhắc nhở một số trường hợp chưa tuân thủ đúng quy định về công tác vệ sinh toàn toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra Liên ngành Thành phố kiểm tra tại các bếp ăn bán trú trên địa bàn
Vấn đề ATTP các bữa ăn bán trú cho học sinh là một việc làm thường xuyên, liên tục. Đặc biệt là ở một số nội dung, như: Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về ATTP; giám sát nguồn nhập thực phẩm vào bếp ăn; tập huấn kiến thức, khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên các bếp ăn... Đồng thời các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về dinh dưỡng và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ giáo viên, nhân viên và phụ huynh, góp phần đảm bảo vệ sinh, an toàn trong các bữa ăn, giúp các em phát triển đầy đủ về thể lực, trí tuệ và tạo sự yên tâm tin tưởng cho phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Theo Đình Việt/hatinhcity.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn