Cán bộ và nhân dân tổ dân phố 5, phường Nam Hồng tham gia chỉnh trang đô thị
Ngày 11/01/2011, Ban Thường vụ Thị ủy Hồng Lĩnh ban hành Chỉ thị 05-CT/TU “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Thuận Lộc”. Tiếp đó, năm 2012, Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh có Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”. Triển khai thực hiện chỉ thị, đề án, thị xã Hồng Lĩnh đã huy động được sự tham gia tích cực và nguồn lực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị.
Xã Thuận Lộc phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động các nguồn lực, trong đó nhân dân tích cực hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí. Tổng cộng xã đã huy động nhân dân đóng góp 44,783 tỷ đồng (chiếm 18,1% tổng nguồn vốn huy động) và hiến 6.255m2 đất ở, 22.899m2 đất sản xuất nông nghiệp để xây dựng kết cấu hạ tầng. Đến năm 2013, xã Thuận Lộc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Các phường Bắc Hồng, Nam Hồng triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, đã tạo được những điểm sáng về làm đường giao thông, điện chiếu sáng, cây xanh đạt chuẩn đô thị và đang từng bước xây dựng một số tuyến phố văn minh. Phường Trung Lương với điểm xuất phát thấp về kết cấu hạ tầng đô thị, bằng nhiều nỗ lực và sự tham gia của người dân, đến nay một số tuyến đường giao thông, mương thoát nước, nhà văn hóa, hệ thống nước sạch... đã đạt chuẩn đô thị.
Thực tế cho thấy, quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, bố trí lại dân cư có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân trước mắt cũng như lâu dài nên việc tham gia rộng rãi và sự đồng thuận của nhân dân là tiền đề, điều kiện hết sức quan trọng cho sự thành công của chính sách. Những thay đổi nhanh chóng của bộ mặt đô thị, của kết cấu hạ tầng những năm qua ở Hồng Lĩnh cho thấy những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các chủ dự án đầu tư và nhất là huy động sức dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Phát huy kết quả đạt được, ngày 20/12/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Hồng Lĩnh đã ban hành Nghị quyết số 04 “Về huy động mọi nguồn lực xây dựng thị xã Hồng Lĩnh đạt các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020”. Bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được những kết quả tích cực, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng đô thị tiếp tục được phát huy.
Qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị ở Hồng Lĩnh có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, huy động người dân tham gia vào các lĩnh vực của đời sống đô thị. Tổ chức tốt các đợt tuyên truyền, vận động có sự tham gia của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức tôn giáo... nhằm nâng cao nhận thức người dân, ý thức cộng đồng, ý thức công dân, tạo điều kiện thuận lợi để các chính sách, các dự án đi vào cuộc sống.
Thứ hai, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị đều phải hướng tới mục tiêu đem lại lợi ích cho người dân. Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển cần triển khai một cách thống nhất, đồng bộ từ Thị xã đến cơ sở, phù hợp với định hướng phát triển chung và nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh việc huy động sức dân, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên cần có chính sách của địa phương. (Các năm từ 2011 cho đến nay, ngoài các chính sách chung của Tỉnh, thị xã Hồng Lĩnh đã có chính sách hỗ trợ từ 30 - 50% kinh phí xây dựng đường giao thông, mương thoát nước, điện chiếu sáng, nhà văn hóa... đạt chuẩn đô thị, bình quân hàng năm bố trí ngân sách hỗ trợ trên 08 tỷ đồng; ưu tiên bố trí 100% tiền cấp đất, đấu giá đất cho xây dựng nông thôn mới).
Thứ ba, thực hiện các chính sách liên quan đến xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị gắn với quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 13/4/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá XVI) về “Tăng cường lãnh đạo công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng đến năm 2010 và những năm tiếp theo”. Trong hơn 10 năm thực hiện nghị quyết, thị xã Hồng Lĩnh đã thực hiện tái định cư, giải phóng mặt bằng trên 145 dự án (bình quân trên địa bàn mỗi phường, xã gần 27 dự án), kinh phí bồi thường 167 tỷ đồng.
Thứ tư, quá trình triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị cần thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở thông qua việc thành lập các đoàn công tác của Thị ủy về với các tổ liên gia, cụm dân cư, thôn, tổ dân phố cùng bàn bạc, thảo luận, tính toán cụ thể những lợi ích, quyền và nghĩa vụ của người dân khi tham gia xây dựng các công trình chỉnh trang đô thị, nông thôn mới; công khai quy hoạch, kế hoạch, tài chính để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thực hiện quyền giám sát, kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Thứ năm, quan tâm xây dựng hệ thống chính trị các cấp có đủ khả năng thiết lập và thực thi các chính sách liên quan đến quy hoạch và quản lý đô thị; quan tâm xây dựng đội ngũ và phong cách làm việc của cán bộ thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. Các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cần chú trọng nội dung chất vấn, trả lời chất vấn về lĩnh vực phát triển và quản lý đô thị. Tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo chủ chốt các cấp với các tầng lớp nhân dân, lắng nghe các ý kiến tâm huyết, kiến nghị chính đáng để tập trung giải quyết tích cực, kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân, tạo đồng thuận để xây dựng và phát triển đô thị.
Nguyễn Thăng Long - Chủ nhiệm UBKT Thị ủy Hồng Lĩnh
http://hatinh.dcs.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn