Ban pháp chế HĐND thị xã làm việc với UBND thị xã
UBND thị xã Kỳ Anh đã ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 27/02/2018 về việc thông qua đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn thị xã Kỳ Anh đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Quyết định số 895/QĐ-UBND ngày 13/3/2019 của UBND thị xã Kỳ Anh về việc phê duyệt điều chỉnh Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thị xã Kỳ Anh đến năm 2020 và những năm tiếp theo. UBND 12 xã, phường đều triển khai khá nghiêm túc các nội dung đề án.
Theo báo cáo của phòng chuyên môn: Hiện nay, việc thu gom rác thải được các HTX, các tổ thu gom của các xã, phường (Kỳ Hoa, Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Hưng), Trung tâm Dịch vụ Hạ tầng và Môi trường đô thị và Công ty CP tư vấn xây dựng và Môi trường đô thị Kỳ Anh thu gom từ các hộ dân, hộ kinh doanh, cơ quan đơn vị rồi tập kết rác tại các điểm trung chuyển rác. Các đơn vị vận chuyển được UBND thị xã giao (gồm Trung tâm Dịch vụ Hạ tầng và Môi trường đô thị sử dụng 01 xe ép rác chuyên dụng 9m3 vận chuyển cho 03 xã, phường: Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi; HTX môi trường xã Kỳ Hoa sử dụng xe tải vận chuyển cho xã Kỳ Hoa; Công ty CP TVXD và MTĐT Kỳ Anh sử dụng xe ép rác chuyên dụng vận chuyển cho các đơn vị còn lại). Nhà máy xử lý rác thải thuộc Công ty TNHH MTV chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý rác thải do các đơn vị vận chuyển được UBND thị xã giao nhiệm vụ.
Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường báo cáo kết quả thực hiện Đề án
Kết quả thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý: Tổng khối lượng rác thu gom xử lý năm 2016 là 13.140,65 tấn, năm 2017 là 11.362,64 tấn; năm 2018 lượng rác thu gom thực tế năm 2018 là 13.253,140 tấn/ lượng rác phát sinh theo Đề án là 13.357,58 tấn (đạt tỷ lệ 99,2%); tổng khối lượng rác thu gom xử lý 11 tháng đầu năm 2019 là 10.831,35kg/14.821 tấn rác phát sinh (đạt 80%). Việc phân loại rác tại nguồn ở các xã, phường đang do lực lượng thu gom thực hiện kết hợp với việc tuyên truyền người dân tự phân loại rác thải (không để lẫn chất thải xây dựng, cành cây, lá cây vào rác thải sinh hoạt).
Khó khăn hiện nay là hoạt động của các HTX môi trường tại địa phương chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, tình trạng đổ rác thải không đúng nơi quy định (tại các khu vực công cộng, ven bờ đê, chân cầu, ven bờ biển,…) còn diễn ra. Các HTX, tổ hợp tác môi trường còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả đang có nhu cầu phải giải thể hoặc sát nhập. Việc thu phí vệ sinh môi trường còn gặp nhiều khó khăn, số phí thu được chưa đủ để trả chi phí thiết yếu cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác, mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân thực hiện thu gom vận chuyển. Nhiều xã, phường hàng năm chưa quan tâm bố trí kinh phí để hỗ trợ cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Trang thiết bị, dụng cụ để thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải còn thiếu thốn; Các điểm trung chuyển rác chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, không cố định, còn bất cập, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị,...
Trưởng ban pháp chế HĐND thị xã Trần Thị Huyền kết luận hội nghị
Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng ban pháp chế HĐND thị xã bà Trần Thị Huyền cho rằng: Việc xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, lộ trình thực hiện Đề án hằng năm chưa được chú trọng. Chưa bố trí, phân công cán bộ Ban chỉ đạo và cán bộ chuyên môn thị xã phụ trách chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện theo địa bàn từng xã, phường. Việc bám sát các nội dung Đề án để ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện tại cơ sở còn nhiều bất cập. Vì vậy, kết quả thực hiện Đề án trên thực tế đạt hiệu quả thấp; ở tất cả các khâu, các bước, các hạng mục công việc theo đề án thực hiện đều gặp khó khăn. Cán bộ chuyên môn cấp thị xã đến các xã, phường thiếu và yếu, thái độ trách nhiệm đối với nhiệm vụ chuyên môn chưa cao. Sự phối hợp giữa các phòng chuyên môn UBND thị xã với nhau, giữa Phòng Tài nguyên & Môi trường với các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với chính quyền các xã, phường chưa chặt chẽ, chưa phân rõ chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý nhà nước dẫn đến khó khăn trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Các địa phương chưa nắm bắt đầy đủ và kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để tranh thủ sự hướng dẫn, hỗ trợ của các ngành chuyên môn của thị xã trong tổ chức thực hiện Đề án. Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền một số xã, phường chưa quyết liệt, có thời điểm chưa thực sự quan tâm đến Đề án này, còn “khoán trắng” cho cán bộ chuyên môn và đơn vị thu gom,...
Ban pháp chế HĐND thị xã đề nghị UBND thị xã: Khảo sát, điều chỉnh Đề án phù hợp với tình hình thực tế và thực lực của các đơn vị thực hiện (nhất là các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải); chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về môi trường từ cấp thị đến cơ sở, tăng cường trách nhiệm của các phòng chuyên môn; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường; tiến hành thực hiện xã hội hoá công tác vệ sinh môi trường (đấu thầu rộng rãi lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải) theo đúng quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ; Rà soát, đánh giá và kiểm soát việc xây dựng các điểm trung chuyển, tạp kết rác tại 12 xã, phường; Tiến hành làm việc cụ thể để ký kết hợp đồng xử lý rác thải với Công ty TNHH MTV chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý trong triển khai các cam kết xử lý rác thải, trong bố trí nguồn ngân sách và thanh quyết toán phí vận chuyển và xử lý rác thải hàng năm,...
Bài và ảnh: Trần Nguyên/http://thixakyanh.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn