Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, loài vẹm đen (cách gọi của người dân địa phương) sinh sôi quanh khu vực cầu Ninh Hải rất nhiều, mới đầu với phương pháp khai thác thủ công bán cho thương lái chỉ đem lại thu nhập khá nhưng mất rất nhiều công sức.
Chỉ sau vài tháng nuôi vẹm đen, người dân thôn Tân Thắng, xã Kỳ Ninh đã thu lãi hàng trăm triệu đồng
Nhiều hộ dân nơi đây cho biết: Trong quá trình nuôi hàu đại dương, vẹm đen tự nhiên bám vào nhiều khiến hàu phát triển chậm. Trong khi đó, loài vẹm đen không cần chăm sóc mà sản lượng cứ tăng theo cấp số nhân, cộng thêm giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định, khiến nhiều ngư dân quyết tâm dựng bè để ươm vẹm đen.
Nhận thấy tiềm năng từ loại thủy sản này, gia đình ông Trần Quyên Thiệp (thôn Tân Thắng, Kỳ Ninh) đã mạnh dạn đầu tư làm bè thả dây. Theo nhẩm tính của ông Thiệp: “Chi phí đầu tư bè tre cộng với dây cước thả, công cán ước tính tầm 7 triệu đồng/bè. Năm ngoái, tôi thả thử 1 bè, 1.100 dây thả, trung bình mỗi dây có trên 20 kg vẹm bám vào, thu hoạch bán với giá 2.500 đồng/kg. Như vậy, chi phí mỗi dây thả vào khoảng 50.000 đồng. Mỗi vụ nuôi một bè đã cho lãi ròng gần 50 triệu đồng. Riêng đầu ra sản phẩm cũng rất dễ, thương lái tới tận nơi thu mua hết.
“Hiệu quả thấy rõ nên năm nay ông Thiệp tiếp tục đầu tư thêm 2 bè tre tại khu vực chân cầu Ninh Hải. “Với tốc độ sinh trưởng như mùa này 3 bè thả của tôi, ước đạt gần 70 tấn, cho thu nhập trên 140 triệu đồng. Thời gian nuôi loại này cũng ngắn, chỉ cần 4-5 tháng kể từ khi thả dây”. - ông Thiệp phấn khởi.
Nghề ươm vẹm đen tại khu vực nuôi thủy sản chân cầu Ninh Hải, xã Kỳ Ninh
Không chỉ hộ ông Thiệp, nhận thấy nguồn lợi tự nhiên mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn làm bè thả ươm nuôi vẹm. Chia sẻ kinh nghiệm thả bè “rước” vẹm đen, ông Trần Xuân Đông (thôn tân Thắng, xã Kỳ Ninh) nói: Muốn thả bè dây để vẹm bám vào nhiều phải lựa đúng thời điểm “chính vụ” của loại thủy sản này, tầm vào khoảng đầu tháng 2 âm lịch sẽ thả dây, đến tháng 6 âm lịch sẽ tiến hành thu hoạch…
Ông Trần Ngọc Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh thông tin, nghề khai thác, nuôi vẹm đen mới hình thành gần 2 năm trở lại đây. Nguồn lợi tự nhiên dồi dào cộng thêm đầu ra ổn định, mở ra nhiều triển vọng cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, ngoài việc nuôi trồng quy củ, đối với các hộ khai thác thủ công cũng cần lưu ý khai thác hợp lý, không ảnh hưởng tới hệ sinh thái thủy sinh khác trong khu vực, song song với bảo vệ để nguồn lợi được bền vững.
Nghề khai thác, nuôi vẹm đen mới hình thành ở Kỳ Ninh gần 2 năm trở lại đây
Không chỉ ở khu vực Kỳ Ninh, mà các vùng có chung môi trường nước như Kỳ Hải, Kỳ Hà cũng là nơi “an cư” phù hợp với mô hình ươm vẹm đen nói riêng cũng như các loại thủy sản khác.
"Đối với các vùng có các mô hình nuôi hàu đại dương, vẫn tiếp tục phát triển nhân rộng nuôi trồng. Bên cạnh đó, với các mô hình nuôi vẹm đen cho hiệu quả cao thì sẽ tiến hành phát triển song song. Những năm qua, cùng với việc thả tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái vùng quanh khu vực Ninh Hải, đã tạo sự sinh sôi nhiều loài thủy sản nước lợ, ngọt có giá trị; qua đó giúp phát triển nghề khai thác, đánh bắt các loài thủy sản khu vực này, mang lại sinh kế bền vững cho ngư dân vùng cửa biển" - ông Trần Xuân Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thị xã Kỳ Anh cho biết.
Theo Thu Trang/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn