Sau 2 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT đã cụ thể hóa xây dựng 6 tiểu đề án trong các lĩnh vực gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến lâm nông lâm thủy sản và muối. Tính đến hết tháng 7 năm nay, đã có 47/63 tỉnh, TP ban hành đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Kết quả bước đầu về tái cơ cấu góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh toàn ngành và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, quá trình triển khai tái cơ cấu còn chưa đạt yêu cầu đặt ra, nguyên nhân chính là do nhận thức về tái cơ cấu chưa đúng mức, đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương một số nơi còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo. Sau hai năm Chính phủ ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay vẫn còn 16 tỉnh/TP chưa phê duyệt đề án, kế hoạch hành động chủ trương này.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nêu rõ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong triển khai tái cơ cấu của cả nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, đòi hỏi các bộ, ngành thành viên phối hợp với các địa phương khẩn trương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp để nắm bắt những cơ hội và ứng phó với thách thức trong tiến trình hội nhập hiện nay.
Theo Phó Thủ tướng, tái cơ cấu nông nghiệp cần tránh cách làm dàn trải mà tập trung trước hết vào một số sản phẩm có thế mạnh. Trên cơ sở đề án tái cơ cấu, các địa phương cần kêu gọi, thu hút DN cùng tham gia thực hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình đưa sản phẩm không an toàn ra thị trường.