Tái cơ cấu cần thực chất
Vấn đề của nông nghiệp VN hiện nay là vốn đầu tư, giống, quy hoạch loại cây trồng, chất lượng nông sản và có chiến lược xuất khẩu đủ sức cạnh tranh. Tái cơ cấu cần đi vào thực chất, không nên chỉ hô hào chung chung rồi lại để nông dân tự bơi.
Bảo Nguyên
(baonguyen62@yahoo.com)
Bảo lãnh nhưng phải khả thi
Việc chính quyền bảo lãnh cho nông dân vay vốn theo hình thức tín chấp đòi hỏi dự án phải khả thi. Bởi các ngân hàng khi cho vay vốn cũng rất sợ dự án bấp bênh, nhất là đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, việc đánh giá một dự án khả thi phải trên nền tảng quy hoạch tổng thể, nếu không chỉ rõ ra rằng loại cây đó sau 3 - 5 năm thu hoạch vẫn có giá trị và có thể hoàn vốn, thì các ngân hàng cũng rất e ngại khi cho vay.
Nguyễn Hoàng Long
(longhoang49@gmail.com)
Đánh giá lại nền nông nghiệp
Theo tôi, khi đã xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì phải đánh giá lại toàn bộ nền nông nghiệp một cách kỹ lưỡng, sâu sắc. Chúng ta không thiếu các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết với nông nghiệp, nhưng chưa vận dụng hết tri thức của họ. Đây là căn nguyên khiến cho việc trồng cây gì, nuôi con gì vẫn là câu hỏi tồn tại từ năm này sang năm khác.
Bùi Văn Tài
(bvantai52@yahoo.com)
Tại sao nền nông nghiệp Thái Lan phát triển vượt bậc như vậy? Là do chính sách cho nông nghiệp phù hợp, trong đó quan trọng nhất là khâu đầu tư nghiên cứu giống, cây trồng tiên tiến, kỹ thuật cao. Bùi Thị Huệ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) Đã đến lúc phải liên kết các hộ nông dân, tạo nên thế mạnh kiểu hợp tác xã. Tình trạng manh mún trong trồng trọt của từng hộ gia đình với diện tích đất ít ỏi như hiện nay không còn phù hợp nữa. Hãy hình thành theo mô hình thửa lớn, đầu tư máy móc, công nghệ, tính toán đầu ra... thì nông nghiệp mới phát triển. Nguyễn Đức Dũng (Q.2, TP.HCM) An Phong - Duy Khang (thực hiện) |