Cánh đồng hàng chục ha của gia đình ông Khu chuẩn bị vào vụ đông
Ở đó mọi thử thách luôn đặt ra cho nông dân, DN, nhà quản lý và nhà khoa học trước những biến thiên của thời tiết. Bởi yếu tố KHKT, giống, phân bón, thuốc BVTV…không còn là lời giải khó.
Gỡ nút thắt chính sách
Mặc dù SX vụ đông được coi là vụ chính trong năm nhưng không phải tất cả nông dân đều hưởng ứng. Vĩnh Phúc là tỉnh được đánh giá có cách tổ chức SX vụ đông bài bản, hiệu quả. Song những năm gần đây diện tích gieo trồng cây vụ đông ở đây có xu hướng giảm dần.
Cụ thể, năm 2009 Vĩnh Phúc SX vụ đông đạt 24.585 ha, đến năm 2013 giảm còn 20.387 ha. Số diện tích bị giảm đều là những loại cây trồng chủ lực luôn có năng suất, sản lượng cao như ngô, khoai lang, lạc, đậu tương. Các loại rau như su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua, dưa chuột, bí đỏ, bí xanh, ớt thì tăng lên. Năm 2009 diện tích rau là 2.967 ha, đến năm 2013 đạt 4.617 ha.
Đề cập đến những khó khăn trong SX vụ đông, ông Lê Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cho rằng: "Do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường. Rõ nhất là ở đầu vụ hay xảy ra mưa bão, ngập úng làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng.
Giá các loại vật tư đầu vào cao, bất hợp lý so với giá nông sản, giá công lao động thấp nên chưa khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh. Đặc biệt, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn thô sơ nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nông sản".
Để khắc phục phần nào khó khăn này, Vĩnh Phúc đã mạnh dạn đưa ra nhiều chính sách để khuyến khích nông dân SX vụ đông. HĐND tỉnh Vĩnh Phúc có Nghị quyết hỗ trợ phát triển trồng trọt hàng hóa giai đoạn 2012 - 2015.
Theo đó, trích ngân sách hỗ trợ SX bí đỏ 5,4 triệu đ/ha, bí xanh 6 triệu đ/ha, cà chua 7 triệu đ/ha, dưa các loại 6 triệu đ/ha, ớt 4 triệu đ/ha, khoai tây 12,5 triệu đ/ha; hỗ trợ phân bón vi sinh, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc cho cây su su với mức tối đa 15 triệu đ/ha.
Vụ đông 2013, Vĩnh Phúc còn có cơ chế hỗ trợ 900.000 đ/ha SX ngô, đậu tương nên toàn tỉnh đã gieo trồng được 20.387 ha đạt tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng.
Kinh nghiệm của ông Khu là làm vụ đông phải chớp lấy thời gian và thời tiết. Có khi xuống vụ ngô ở góc ruộng này nhưng ở góc ruộng kia thì cho thu hoạch rau cải. Phải gối vụ liên tục thì mới có được giá trị thu nhập cao trên đơn vị diện tích. |
Năm nay, Vĩnh Phúc đã chủ động bố trí 15 tỷ đồng hỗ trợ SX ngô, đậu tương, lạc, khoai lang ở mức bình quân 900.000 đ/ha. Quan điểm của Vĩnh Phúc là tất cả mọi người dân đều có thể SX cây vụ đông. Vì thế kế hoạch, vụ đông năm nay toàn tỉnh sẽ gieo trồng 22.300 ha.
Gom đất sản xuất
Ông Lê Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cho hay, năm 2014 đối với diện tích đất được tích tụ để SX vụ đông, tỉnh có chính sách hỗ trợ 2 triệu đ/ha. Vụ đông này đã có 1.500 ha đất được gom lại để SX, tạo ra sản lượng nông sản lớn cho xuất khẩu. “Tôi cho rằng như thế mới lãi to được. Tổ chức được như thế sẽ làm ăn quy củ và rõ nét hơn”, ông Dũng nói.
Vụ đông năm nay, Vĩnh Phúc đặt kế hoạch SX 11.600 ha ngô
Chúng tôi về thôn Man Để, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc gặp nông dân Phạm Văn Khu. Đã chính Ngọ mà ông vẫn chưa về nhà. Qua điện thoại được biết ông đang ở ngoài lán. Giữa cánh đồng rộng lớn, lọt thỏm một cái lán nhỏ với ngổn ngang các vật dụng như cuốc, cào và hai cái máy cày chắn ngang cả lối đi.
Ông Khu bảo rằng, làm nông nghiệp không ăn thua gì đâu, vất vả lắm. Nhưng nông dân mà không làm ruộng thì biết làm gì hơn.
Ông Khu kiến nghị, cần loại bỏ những thủ tục và công đoạn giải ngân không cần thiết để giúp hộ dân tiếp cận đồng vốn trực tiếp và hiệu quả nhất. Cần hỗ trợ ngay từ đầu vụ chứ đến khi vụ đã kết thúc hoặc gặp mưa bão rồi mới tiến hành nghiệm thu để hưởng chính sách thì người dân mất mát nhiều lắm. |
Có điều cách làm ruộng của ông khác so với nhiều hộ dân. Khi nhiều nông dân bỏ ruộng nhưng không chịu trả lại cho nhà nước, ông Khu tìm đến và đặt vấn đề thuê. Đề nghị của ông Khu được đông đảo người dân và lãnh đạo địa phương ủng hộ.
Đến nay đã có hàng trăm hộ dân ở các xã lân cận cho ông Khu thuê lại ruộng. Ông đã thuê được 47 ha ruộng của người dân xã Trung Nguyên với thời hạn 5 năm. Mỗi năm, ông trả cho họ 150 kg thóc/sào.
Ông cho hay, ngày trước ruộng ở đây, bà con SX 2 vụ lúa/năm. Nay toàn bộ số ruộng này ông dồn thành những thửa lớn và SX quanh năm các loại cây trồng. Ông bảo, có những thửa làm 4 - 5 vụ/năm.
Ngoài 47 ha được thuê 5 năm, mỗi vụ đông đến, ông còn thuê được 300 - 400 ha ở các xã để SX. Đây là số diện tích mà ông thuê chỉ 1 vụ/năm và trả cho người dân 50 kg thóc/sào.
Ông bảo: "Tôi vừa thuê ruộng và thuê người. Khi mùa vụ đến, các chủ ruộng lại ra làm thuê cho tôi. Lúc cao điểm, trên đồng đất của tôi có mấy trăm lao động. Tôi thuê xe ô tô đưa đón họ đi, về và tổ chức nấu cơm cho họ ăn. Họ làm nhiệt tình cho mình, tôi trả ngày công thỏa đáng. Thế là họ vẫn gắn bó với đồng đất của mình và có thu nhập khá".
Phía cơ quan quản lý Nhà nước đã triển khai chủ trương của tỉnh trong việc hỗ trợ gia đình ông Khu. Theo đó, mỗi ha ông Khu làm vụ đông được hỗ trợ 2 triệu đồng. Ông Khu thật thà mà rằng, có đồng hỗ trợ của nhà nước sẽ giúp phần nào cho gia đình. Tuy nhiên, để lấy được đồng tiền của chính sách quả là khó khăn, vất vả.
Ông bảo rằng, chi phí cho làm đất là rất lớn, thường từ 220 - 250 ngàn đồng/sào. Đây là lý do khiến các hộ dân không muốn làm vụ đông. Việc gia đình thuê lại với quy mô lớn và có máy làm đất nên chi phí giảm đi phần nào, nhờ đó mà có lãi.
“Ai đó kêu ca về đầu ra cho sản phẩm nhưng với tôi SX hàng trăm ha khoai tây mỗi vụ nhưng chẳng bao giờ phải lo đầu ra. Tất cả thương lái đều đến mua tận chân ruộng. Có chăng giá bán thấp hay cao mà thôi. Làm vụ đông sẽ có lãi lớn nếu người nông dân kiên trì, chịu khó và SX trên quy mô lớn với điều kiện thời tiết thuận lợi”, ông Khu kết thúc câu chuyện với chúng tôi bằng một niềm tin như thế.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn