Ông Lê Thiết Cương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NNPTNT) cho rằng, trong quá trình thực hiện DĐĐT, với nhiều khó khăn phát sinh liên quan đến quyền lợi cụ thể của người dân thì cán bộ ở địa phương chính là khâu then chốt nhất đảm bảo thành công. 
Cụ thể, ở Hà Nội, đến thời điểm này đã DĐĐT được hơn 73.000ha, chiếm 96% tổng số diện tích ruộng đất. Một trong những địa phương là “ngôi sao” trong DĐĐT là huyện Chương Mỹ với nhiều cách làm sáng tạo linh hoạt. Quan trọng nhất, cán bộ địa phương đã thực hiện DĐĐT dân chủ, công khai và rất bài bản từ việc họp bàn với người dân, thống nhất phương án,... 

Nhờ cách làm đề cao khâu cán bộ, trong thời gian từ năm 2012 - 2014, TP.Hà Nội đã DĐĐT được diện tích đất nông nghiệp rất lớn mà hàng chục năm trước đó chưa làm được. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp của thủ đô đã được DĐĐT, quy hoạch lại, phát triển đồng bộ hạ tầng (đào đắp bờ vùng, bờ thửa, mương máng tưới tiêu nước, xây dựng giao thông nội đồng).

 Từ những cánh đồng đã được DĐĐT, các địa phương dễ dàng đẩy mạnh công cuộc cơ giới hóa vào đồng ruộng, bà con được thảnh thơi khâu làm đất, cấy, thu hoạch. Hướng đến quyền lợi nông dân Ông Cương cũng thừa nhận, với khoảng 4% diện tích chưa DĐĐT, tương đương hơn 3.000ha, ngành nông nghiệp còn rất nhiều việc phải làm. 

Thực tế, số diện tích này chưa thể thực hiện DĐĐT không chỉ bởi những tồn tại của khâu cán bộ, mà bản thân người dân cũng còn một số khúc mắc chưa đồng tình với cách làm của địa phương. Ngoài ra, lãnh   đạo ở không ít địa phương còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo, vận động người dân chưa tốt dẫn đến kém đồng thuận, hưởng ứng. Thậm chí, có địa phương xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, gây mất trật tự an ninh. “Công tác tuyên truyền vận động có làm nhiều đến mấy mà người dân không nhận thấy quyền lợi của mình được đảm bảo, không thấy đây là chủ trương chính sách đúng đắn, nhân văn và vì quyền lợi của họ thì họ không bao giờ đồng tình. 

Làm DĐĐT trước hết phải hiểu ruộng, hiểu dân và hơn hết phải biết gắn quyền lợi của người nông dân với các quyết sách” - ông Cương khẳng định. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, bên cạnh kết quả đã đạt được, ngành nông nghiệp cần xác định rõ những hạn chế, tiếp tục tập trung giải quyết, tháo gỡ. 

Hiện, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, quy mô còn nhỏ lẻ; hạ tầng sản xuất nông nghiệp, đê điều, thủy lợi một số nơi chưa đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất, phòng, chống lụt bão, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu; chưa huy động được các nguồn lực từ xã hội trong đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; công tác đào tạo nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn, lao động được đào tạo cho vùng sản xuất chuyên canh tập trung tỉ lệ thấp... Như vậy, để hoàn thành DĐĐT, ngành nông nghiệp TP.Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm. 

Trong đó, cốt yếu nhất vẫn là khâu cán bộ và trọng tâm triển khai công việc là phải đặt quyền lợi của người dân làm đầu. Có như thế, DĐĐT mới thực sự là “chìa khóa” mở ra cánh cửa thoát nghèo, xây dựng đời sống ấm no cho người nông dân.

 
THÁI LINH
Nguồn laodong.com.vn