Cán bộ kỹ thuật của Công ty Dekalb Việt Nam hướng dẫn người dân ĐBSCL trồng ngô. Ảnh VGP/Đỗ Hương |
Tại hội nghị, Công ty Dekalb Việt Nam - đơn vị đã thử nghiệm chuyển giao kỹ thuật và giống ngô cho nhiều diện tích chuyển đổi tại ĐBSCL, đã đưa ra những kết quả trên thực địa cho hiệu quả kinh tế của trồng ngô cao hơn trồng lúa ít nhất là 1,5 lần. Ông Trần Trương Tấn Tài, đại diện Dekalb Việt Nam đã đưa ra các ví dụ thực tế mà công ty này đã triển khai ở vụ Đông Xuân, Hè Thu và ngay cả mùa lũ trong 2 năm 2013 và 2014 này đều mang lại giá trị kinh tế tốt hơn cho người nông dân.
Không những chuyển đổi sang trồng ngô mà nhiều diện tích chuyển đổi từ trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng các cây rau màu khác cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Ví dụ, tại huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), 80 ha chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mè 9 (vừng) đã đem lại lợi nhuận hơn 29 triệu đồng/ha, cao hơn lợi nhuận trồng lúa là 23 triệu đồng/ha.
Khâu tiêu thụ vẫn vướng
Dù đồng tình với hiệu quả chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả, nhưng đại diện nhiều Sở NNPTNT các tỉnh vẫn băn khoăn về khâu tiêu thụ sản phẩm.
Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, đưa ra ví dụ, nhiều tỉnh tại ĐBSCL đã cùng trồng dưa hấu trong vụ vừa qua nhưng do không kết nối thông tin nên dẫn đến việc ách tắc dưa tại biên giới Lạng Sơn.
Ông Hóa kiến nghị nhiều loại cây màu đang rất bấp bênh đầu ra, vì thế cần nghiên cứu vấn đề thị trường, tránh đổ xô trồng để rồi nông dân chịu thiệt.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NNPTNT Cần Thơ, cũng cho rằng nông nghiệp thì cứ vùi đầu sản xuất, công thương thì có gì bán nấy, giữa sản xuất và tiêu thụ không hề có sự liên kết nên đầu ra rất bất ổn. Ông Quỳnh đề nghị phương án chuyển đổi phải tính toán kỹ lưỡng mọi khâu, trong đó tập trung cao cho việc bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Sẽ thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi cây trồng tại ĐBSCL
Hội nghị chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng ngô, đỗ tương và các cây trồng khác tại ĐBSCL. Ảnh VGP/Đỗ Hương |
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, vướng mắc nhất hiện nay chính là trong nhận thức của người làm chính sách nông nghiệp và bà con nông dân tại ĐBSCL.
Bộ trưởng đánh giá cây lúa vẫn là cây trồng có hiệu quả nhất định, trong khi thị trường cho ngành hàng này rộng nên khá ổn định so với nhiều cây khác.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, hiện ĐBSCL rất có ưu thế đối với cây ngô. Đây là vùng mà cây ngô có thể cho năng suất cao nhất cả nước nếu tập trung chuyển đổi quyết liệt. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm ngô có ngay trong nước. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi và thủy sản tiếp tục phát triển thì vật tư đầu vào là thức ăn cho 2 ngành này vẫn còn nhu cầu rất lớn để thu mua ngô.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lưu ý đối với việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa sang các cây khác như mè, ớt, dưa hấu cần nghiên cứu kỹ hơn. Thực tế đây là những nông sản có thị trường hẹp, vì vậy nếu nguồn cung tăng mạnh là giá giảm. Như vậy sẽ không thể có lợi nhuận cao khi diện tích những cây trồng này phát triển quá lớn.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đưa ra quyết định sẽ thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi cây trồng tại vùng ĐBSCL, đồng thời đề nghị các địa phương xem xét để xây dựng bộ máy tương ứng.
Cục Trồng trọt cần sớm hoàn chỉnh quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cả nước để Bộ phổ biến với địa phương. Địa phương cũng cần chủ động quy hoạch và có kế hoạch từng năm một cách cụ thể để doanh nghiệp và địa phương có thể chủ động tham gia chương trình này.
Bộ trưởng giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia thành lập các mô hình chuyển đổi cây trồng để hướng dẫn nông dân. Mô hình này sẽ đồng bộ từ kỹ thuật trồng trọt, chăm bón và thu hoạch, bảo quản nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Các Sở NNPTNT các tỉnh cũng cần phối hợp Sở LĐTBXH để lồng ghép khuyến nông vào chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề cho nông dân.
Đỗ Hương
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn