Hiệu quả bước đầu
Với mục tiêu từng bước giảm tổn thất trong nông nghiệp, ngày 23-9-2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản. Chỉ sau một năm triển khai NQ 48, năm 2010 và 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định 63, 65 và gần đây nhất là Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-1-2013 (QDD68) về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, với phạm vi hỗ trợ rộng hơn giúp hộ dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc thực hiện cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng bảo quản sau thu hoạch.
Theo Cục chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối, so với năm 2011, số lượng máy, thiết bị được đưa vào sử dụng trong nông nghiệp tăng nhanh, trong đó khâu làm đất lúa đạt 92%, cao nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt tới 98%, thấp nhất là vùng trung du miền núi phía bắc đạt 45%. Khâu thu hoạch lúa, được thay thế bằng các máy gặt đập liên hợp (GĐLH) với số lượng lên tới 10 nghìn máy. Điều đáng mừng là, ngoài các máy GĐLH có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., chiếm hơn 80%, một số loại máy do các cơ sở Phan Tấn, Tư Sang, Cơ khí Long An chế tạo với nhiều cải tiến, giá rẻ hơn so với máy móc nhập ngoại, cho nên được nông dân tin dùng đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trên đồng ruộng ĐBSCL,
Với số lượng máy, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp tăng nhanh như hiện nay, theo tính toán của các chuyên gia, sẽ giúp giảm mức tổn thất sau thu hoạch đối với các loại nông sản từ nay đến năm 2020 khá cao, thí dụ như lúa gạo sẽ giảm từ 11 - 13% hiện nay xuống 5 đến 6%; ngô từ 13 đến 15% xuống còn 8 đến 9%... Với sản lượng 43 triệu tấn lúa/năm, nhờ các biện pháp giảm hao hụt về chất lượng và số lượng trước, trong và sau thu hoạch, mỗi năm ngành nông nghiệp thu thêm khoảng 1,2 triệu tấn lúa, là con số không nhỏ.
Đối với thủy sản, qua kiểm tra đánh giá công tác giảm tổn thất sau thu hoạch tại các tỉnh ven biển miền trung của Viện nghiên cứu hải sản, cho thấy một số địa phương như Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Thanh Hóa đã hình thành các tàu dịch vụ thu mua trên biển, gắn kết khai thác với thu mua cho nên sản phẩm đạt chất lượng cao hơn, tổn thất giảm. Tại Bình Thuận, nhiều tàu đã trang bị thiết bị cấp đông dưới tàu để cấp đông sản phẩm ngay sau khi thu mua, cho nên chất lượng tốt, tỷ lệ hao hụt và tổn thất sau thu hoạch giảm đáng kể.
Còn nhiều vướng mắc
Mặc dù chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp của Chính phủ ban hành đã năm năm với nhiều sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, nhưng việc triển khai thực hiện chính sách vẫn còn thiếu sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành liên quan, nhiều hộ dân chưa tiếp cận được chính sách, thể hiện qua số lượt khách hàng và doanh số cho vay còn thấp. Theo báo cáo của 41 tỉnh, thành phố thì hiện có 22 tỉnh có dư nợ cho vay, với số lượt khách hàng vay vốn mới chỉ đạt hơn 14 nghìn 200 lượt người, trong đó số lượng khách hàng hiện còn dư nợ là gần 10 nghìn khách hàng. Bên cạnh nhiều tỉnh, thành phố có dư nợ cho vay cao như Kiên Giang hơn 192 tỷ đồng, tiền giang 51 tỷ đồng, Hải Dương gần 63 tỷ đồng, Vĩnh Long gần 36 tỷ đồng…, cũng có nhiều địa phương như Lâm Đồng, Nam Định.. đến nay chưa có cá nhân, đơn vị nào được vay vốn hỗ trợ theo QĐ68
Theo tìm hiểu của chúng tôi sở dĩ số lượng khách hàng và doanh số cho vay của các ngân hàng thương mại còn thấp, một phần xuất phát từ việc quy định danh sách chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp hiện nay do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố còn hạn chế. Trong khi đó lãi suất tín dụng của Nhà nước mặc dù đã được điều chỉnh nhiều lần, nhưng theo Thông tư số 76/2015/TT-BTC ngày 21-5-2015 của Bộ Tài Chính hiện nay vẫn là 8,55%/năm, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay thương mại bình quân của các ngân hàng ở mức từ 9 đến 10%/năm. Do không có sự chênh lệch nhiều, cho nên chưa thu hút các tổ chức, cá nhân (nhất là các doanh nghiệp) đầu tư các dự án dây chuyền máy móc, thiết bị, các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.
Thí dụ tại Lâm Đồng, sau năm năm triển khai thực hiện, các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh nông sản vẫn chưa tiếp cận được nhiều với nguồn vốn ưu đãi này từ phía các ngân hàng do phải có tài sản thế chấp, thủ tục rườm rà, hóa đơn, chứng từ vay đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị thường không thuộc danh mục quy định theo Thông tư 08/2014/TT-BNNPTNT. Còn tại Nam Định, nhiều chủ hộ mua máy móc, thiết bị cơ giới hoá nhưng không thể tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Lý do một số chi nhánh ngân hàng thương mại đưa ra là chưa nhận được văn bản hướng dẫn thực hiện của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 08/2014/TT-BNNPTNT ngày 20-3-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện QĐ68 của Chính phủ. Mặt khác, các Ngân hàng thương mại không mặn mà với việc cho vay. Còn các hộ dân, tổ, đội dịch vụ sau khi gặp gỡ các chi nhánh ngân hàng thương mại tại địa phương thì không muốn làm các thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất do thủ tục quá phức tạp. Cuối cùng, vay từ nguồn tín dụng “đen” trở thành lựa chọn của nhiều hộ nông dân.
Nông dân cần được hưởng lợi
Có thể nói, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang có những diễn biến hết sức phức tạp, hằng ngày, hằng giờ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, để giảm nỗi lo thất bát cho nông dân, chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp là hết sức cần thiết. Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan có kế hoạch tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để người dân biết và tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, quy hoạch lại đồng ruộng để đưa máy, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp, phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Để đạt mục tiêu đến năm 2020 giảm 50% tổn thất đối với các loại nông sản, thủy sản mà NQ48 đề ra, cần có những tác động mạnh hơn từ QĐ68, như xem xét điều chỉnh lãi suất đầu tư phát triển dài hạn xuống mức 3 đến 4%/năm để thực hiện các Dự án bảo quản kho chứa lúa đồng bộ với máy sấy động hiện đại, kho bảo quản lạnh rau quả, thủy sản; các dự án chế tạo máy móc nông nghiệp và các mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, hợp tác công-tư, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm kết hợp với các nhà khoa học để thực hiện các dự án bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, các cơ quan chức năng cần thường xuyên khảo sát, điều tra, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương. Trong đó có việc thường xuyên rà soát, xem xét, bổ sung danh mục máy, thiết bị được hỗ trợ theo Thông tư 08/2014/TT-BNNPTNT có liên quan đến sản xuất nông nghiệp; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục mở rộng một số danh mục máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp có tiểm năng, lợi thế do trong nước sản xuất; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tại các địa phương nghiêm túc thực hiện các nội dung của chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp theo QĐ68 và có chế tài xử lý đối với các ngân hàng không tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ nông dân mua máy với sự hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn