Sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực tiếp cận thị trường thông qua các chương trình chính sách hỗ trợ của tỉnh. |
Với 3 vùng sinh thái nông nghiệp tương đối rõ nét (ven biển, đồng bằng và đồi núi), tỉnh ta có điều kiện để phát triển đa dạng nền kinh tế nông - lâm - thủy sản. Toàn tỉnh có 121.167 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 64.996 ha chuyên trồng lúa nước, 21.824 ha trồng cây hàng năm khác, 33.911 ha trồng cây lâu năm, 436 ha trồng cỏ chăn nuôi. Theo thống kê, tổng đàn trâu trên địa bàn hiện nay xấp xỉ 100.000 con, đàn bò 180.000 con (trong đó bò lai zêbu chiếm 30%), đàn lợn hơn 400.000 con, gia cầm có 5,2 triệu con, tổng sản lượng thịt hơi hàng năm hơn 65.000 tấn. Đặc biệt, Hà Tĩnh có con hươu cho đặc sản là nhung hươu (đặc sản của tỉnh và của cả nước), với số lượng hiện có 28.000 con.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, biển Hà Tĩnh có trữ lượng hải sản phong phú, trên 267 loài cá, 20 loài tôm, nhiều loài nhuyễn thể như sò, mực... Trữ lượng cá ước tính 86.000 tấn, trữ lượng tôm vùng lộng khoảng 500-600 tấn, trữ lượng mực vùng lộng 3.000-3.500 tấn. Diện tích nuôi trồng hiện có 7.800 ha, trong đó nước ngọt 5.200 ha, mặn lợ 2.600 ha, sản lượng nuôi trồng 15.000 tấn. Hiện nay, loại hình nuôi tôm thẻ chân trắng đang được đầu tư, phát triển mạnh, trong tương lai có khả năng lên đến 20.000 ha...
Tiềm năng sẵn có, cơ hội phát triển đã rõ, tuy nhiên, để khai thác hiệu quả lại không dễ chút nào. Theo đánh giá của những người có tâm huyết với nông nghiệp Hà Tĩnh, mặc dù đã có những bước phát triển mới, song, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chưa nhiều, chất lượng và sức cạnh tranh thấp, chủ yếu quy mô sản xuất nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường...
Thấu hiểu những khó khăn của người nông dân, lãnh đạo tỉnh nhà luôn đau đáu, trăn trở làm sao để nâng tầm, phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực trên địa bàn nhằm góp phần đẩy nhanh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Từ suy nghĩ đến hành động, thông qua nhiều cuộc kiểm tra, khảo sát, tham vấn ý kiến của các chuyên gia đầu ngành và sự thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo, tháng 8/2012, UBND tỉnh đã ban hành quy định chính sách khuyến khích sản xuất giống phát triển một số sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2012-2015. Theo đó, các sản phẩm như: lúa; lạc; rau, củ quả thực phẩm chất lượng cao; bưởi Phúc Trạch; cam chất lượng cao; chè; cao su; gỗ nguyên liệu rừng trồng; lợn; bò; hươu; tôm và các hải sản đánh bắt có sản lượng lớn, giá trị xuất khẩu cao nằm trong danh mục sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Từ các chính sách hỗ trợ phát triển của tỉnh, anh Nguyễn Văn Xoan (Ân Phú - Vũ Quang) đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn quy mô hơn 2.000 con. |
Cùng với hỗ trợ về giống, đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất, tín dụng… tỉnh ta cũng đã xây dựng nhiều nhóm giải pháp về quy hoạch, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, khoa học, cơ giới hóa, bảo quản, chế biến phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu...
Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco) là đơn vị đi đầu thực hiện các chính sách phát triển. Đóng vai trò doanh nghiệp hàng đầu của địa phương, thời gian qua, Mitraco đã thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển. Với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, Mitraco đã xây dựng được 48 mô hình chăn nuôi lợn liên kết với quy mô 250–600 con. Riêng năm 2013, tổng sản lượng lợn thịt từ các mô hình liên kết đạt hơn 3.400 tấn. Sau khi nhà máy chế biến súc sản tại KKT Vũng Áng đi vào hoạt động, vấn đề đầu ra cho sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn sẽ cơ bản được giải quyết. Hiện nay, Mitraco đã thực hiện thành công dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát hoang hóa, mở ra hướng sản xuất mới, hiệu quả cho hàng ngàn hộ dân ven biển.
Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Đặng Văn Tính, những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã tạo động lực cho địa phương khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua đó, Nghi Xuân đã xây dựng được 210 mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó có 15 mô hình cho doanh thu trên 500 triệu đồng/năm. Có thể khẳng định, sau một quá trình kiến tạo, người nông dân đã có thể tung “cú sút” quyết định, đưa các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực lên bàn ăn, làm chủ thị trường để giành thắng lợi cho chuỗi sản xuất khép kín mà mình đã và đang tiến hành.
Chính sách đúng, ngay sau khi đi vào thực tế lập tức phát huy hiệu quả. Theo thống kê, các địa phương trên địa bàn đã xây dựng được hơn 2.200 mô hình SXKD hiệu quả. Chỉ tính năm 2013, toàn tỉnh đã xây dựng 1.280 mô hình sản xuất, 88 HTX, 222 doanh nghiệp khu vực nông thôn. Tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tất cả đều hướng đến mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương.
Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn cho rằng, với việc triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất của tỉnh, sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản đều có những bước phát triển mới, theo hướng coi trọng giá trị, giá trị hàng hóa. Các vùng sản xuất tập trung sản phẩm hàng hóa chủ lực theo quy hoạch bắt đầu cho những mùa vàng bội thu. Đã xuất hiện nhiều mô hình có sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Nhiều giống cây, con mới có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất diện rộng, cơ cấu ngành chuyển dịch một bước từ sản xuất số lượng sang chú trọng chất lượng, gắn với thị trường. Người nông dân không những mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT mà còn biết đầu tư hợp tác, liên kết với doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn