Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT - cho biết, trong 3 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành TS đến năm 2020, sản phẩm TS tiếp tục duy trì uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế với 156 quốc gia và vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 6,7 tỉ USD với thị phần chính là EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... 

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản - thẳng thắn nhìn nhận: Kết quả phát triển TS chưa bền vững, có 6/14 chỉ tiêu cơ bản không hoàn thành mục tiêu. 

Tỉ trọng sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp; hiệu quả khai thác hải sản chưa cao; thu nhập của người lao động trong ngành TS chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng nông thôn mới. 

“Mức độ chuyển dịch cơ cấu nội ngành trong giai đoạn 2010-2013 chậm, tỉ lệ tàu công suất thấp còn lớn (tàu dưới 90 CV chiếm đến 75,6%), chưa tạo được sự liên kết trong chuỗi sản xuất, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm quốc gia và chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm TS chủ lực...” - ông Điền nói.

Tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững

Trên cơ sở Quyết định 1690 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển TSVN đến năm 2020, Bộ NNPTNT triển khai đề án tái cơ cấu ngành TS theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, với tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất TS đạt trên 6%/năm. 

Tại cuộc họp, TS. Ngô Anh Tuấn - chuyên gia của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) - cho rằng, có đến 112 hoạt động trong tái cơ cấu ngành TS, do vậy cần ưu tiên nâng cao giá trị gia tăng chuỗi sản phẩm chủ lực, gồm tập trung nguồn lực đầu tư 3 sản phẩm là tôm nước lợ, cá tra, cá ngừ đại dương; tổ chức dịch vụ hậu cần trên biển và các chợ đấu giá cá ngừ đại dương...

Ông Chu Tiến Vĩnh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Nuôi trồng thủy sản - đặt vấn đề: Cần tìm các đối tượng mới ở ngư trường mới để khai thác, đặc biệt lưu tâm đến đối tượng TS có giá trị là cá ngừ vằn, bởi hiện sản lượng khai thác loại cá này chỉ mới trên 40.000 tấn/năm, trong khi trữ lượng ở ngư trường khoảng 400.000 tấn. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Thủy sản - khẳng định, hiện VN vẫn đang nhập 30% nguyên liệu TS từ các nước khác để chế biến, đây là câu chuyện cần phải bàn trong việc tái cơ cấu ngành TS. 

Hiện Bộ NNPTNT cũng chưa đề cập về nguồn lực để tái cơ cấu TS trong gói đầu tư 56.000 tỉ đồng. Ông Mạnh nói: “Theo tôi, phải bám sát cơ chế thị trường để phát triển TS, sớm thành lập trung tâm xây dựng phân phối hàng cá tra để phân phối cho các nước nhằm ổn định thị trường và chống ép giá; xây dựng nhãn mác và an toàn vệ sinh thực phẩm TS...”.

Trao đổi với PV Lao Động về giải pháp đột phá trong việc tái cơ cấu TS, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, khẳng định: Trước tiên xác định những tiềm năng và lợi thế TS gắn với thị trường cạnh tranh, qua đó phát triển nuôi trồng, khai thác TS bền vững theo chuỗi giá trị; đặc biệt thí điểm đầu tư đột phá đội tàu cá ngừ hiện đại để rút kinh nghiệm và nhân rộng cho đối tượng khác.

LƯU PHONG
Nguồn laodong.com.vn