Trở về nước khi đã là TS, ông Nguyên vẫn tiếp tục công tác tại Phân viện Sinh học Đà Lạt (đến năm 2013 mới chuyển sang Đại học Đà Lạt), đồng thời duy trì trại nấm nhỏ ở gia đình để nghiên cứu. Từ giống nấm đông trùng hạ thảo có nguồn gốc Tây Tạng được người thầy bên Nhật tặng, ông tập trung nghiên cứu và sản xuất thành công dưới dạng bột mịn. “Tôi thấy tự tin có thể trồng, kinh doanh nấm ở đây nên năm 2010 Công ty CP Nguyên Long mới ra đời và tôi giữ mảng cố vấn kỹ thuật. Tuy nhiên, nhận thấy với đông trùng hạ thảo cao cấp thì sẽ khó có đầu ra hơn nên anh em quyết định “lấy ngắn nuôi dài”, trồng nấm hương kinh doanh trước”, TS Nguyên kể.
Trên diện tích 1 ha đất ở Đạ Sar, Công ty CP Nguyên Long đã đầu tư gần 10 tỉ đồng để nuôi trồng nấm, trong đó 70% trồng nấm hương, đồng thời nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo.
Trại nấm được đầu tư bài bản, kiểm soát từ đầu đến cuối quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Công ty còn đầu tư 360 m2 nhà lạnh để trồng nấm. Theo TS Nguyên, hệ thống nhà lạnh giúp có thể điều khiển được các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng để nấm cho sản phẩm tốt nhất và nhiều nhất. Không như các trại nấm khác, trại nấm của công ty chủ động làm giống để sản xuất nấm, việc sản xuất giống theo quy trình kỹ thuật cao nên chất lượng giống rất cao. Giá thể dùng trồng nấm được công ty sản xuất từ cây cao su hoặc cây keo để đảm bảo chất lượng, nguyên liệu bổ sung dinh dưỡng cho nấm thì sử dụng cám gạo và cám bắp chứ không dùng nguyên liệu hóa học. “Sản phẩm mang tính hữu cơ 100%, không có thành phần nào là vô cơ cả. Toàn bộ được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt nên nấm của công ty đảm bảo sạch hoàn toàn. Dù mẫu mã có thể không đẹp bằng, nhưng chất lượng đảm bảo không thua gì nấm ngoại”, TS Nguyên khẳng định.
Hiện nay, mỗi ngày công ty cung cấp cho thị trường TP.HCM và Hà Nội từ 100 - 120 kg nấm, giá bán tại trại là 85.000 đồng/kg.
TS Nguyên chia sẻ, trồng nấm đầu tiên phải chọn cho được giống tốt, rồi phải hiểu rõ đặc điểm sinh học của nấm và chăm sóc đúng quy trình. Quan trọng hơn, khi xây dựng quy trình sản xuất, phải biết được giai đoạn nào thì nấm dễ nhiễm bệnh cao mà phòng tránh, lúc hái nấm xong, chỗ vết thương dễ bị nhiễm bệnh nhất nên cần phải giữ cho bịch phôi thông thoáng. “Với cây nấm, chỉ phòng bệnh chứ không thể chữa bệnh vì vòng đời nấm rất ngắn, từ khi ra mầm đến lúc thu hoạch chỉ khoảng 7 ngày nên không thể chữa bệnh. Trồng nấm là cả một nghệ thuật phối hợp nhiều yếu tố, nhiều điều kiện, nếu không phối hợp tốt thì sẽ thất bại. Ngoài ra thị trường tiêu thụ cũng rất quan trọng, nên dù sản xuất được theo ý mình, nhưng phải sản xuất đúng số lượng nấm mà bạn hàng cần để tránh việc dư thừa…”, TS Nguyên nói.
Nguồn: thanhnien.com.vn