Tại buổi tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng mới đây, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo TP.Hải Phòng bàn về vấn đề tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp, đi liền với áp dụng tiến bộ kỹ thuật theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Xoay quanh vấn đề này, Thanh Niên có cuộc phỏng vấn GS-TS Võ Tòng Xuân (ảnh), nhà nông học hàng đầu VN.
* Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở khắp cả nước đã trực tiếp đề cập đến vấn đề tích tụ ruộng đất, GS có nhận xét gì về việc này? Trong một thời gian dài hàng chục năm, toàn xã hội có suy nghĩ những người sở hữu nhiều đất đai là “địa chủ”. Mà địa chủ là tầng lớp bóc lột, là không tốt, phải tẩy chay và người ta dường như tránh đề cập đến vấn đề này một cách công khai. Nhưng bây giờ, ngay chính người dân lại đề cập đến nó một cách trực tiếp như vậy, cho thấy nhận thức xã hội đang thay đổi. Sự thay đổi đó bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của xã hội. Đó là muốn thoát nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn thì chỉ còn cách sản xuất lớn để có thể tạo ra sản phẩm hàng hóa cạnh tranh trên thị trường. Đó là nhu cầu hết sức bình thường và chính đáng của người dân.
| | | Nếu chúng ta sản xuất lớn thì chi phí sản xuất thấp; nếu có lượng hàng lớn sẽ không bị ép giá và sẽ được lợi nhuận cao hơn sản xuất nhỏ lẻ. Trong nông nghiệp cũng vậy, sản xuất lớn nông dân sẽ lời nhiều và họ sẽ đóng thuế nhiều hơn nên GDP của địa phương sẽ tăng. Mà GDP của địa phương tăng thì cả nước cũng tăng và nhà nước có tiền đầu tư lại cho nhu cầu an sinh xã hội | | | | | |
Thật ra, nhu cầu tích tụ ruộng đất không phải mới mà nó đã có từ hàng chục năm về trước, nhưng thời điểm đó người ta ngại chưa dám nói thẳng như bây giờ. Thực tế ở các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An đã có những nông dân sở hữu cả trăm, thậm chí là cả ngàn héc ta đất.
Quy mô lớn, hiệu quả cao
* Hiệu quả của mô hình này cụ thể là gì, thưa GS?
Tôi xin lấy một ví dụ, ở Tri Tôn, An Giang có ông Sáu Đức (Nguyễn Lợi Đức - PV), một nông dân rất nổi tiếng mà báo chí trước giờ hết lời ca ngợi, chính quyền địa phương, T.Ư, ngành nông nghiệp cũng nhiều lần tặng bằng khen, giấy khen nông dân sản xuất giỏi. Cách đây hàng chục năm, ông Sáu Đức là người sở hữu diện tích đất lớn nhất nhì ĐBSCL. Nhờ vậy, ông không chỉ áp dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp mà còn dùng thiết bị laser làm bằng mặt ruộng để thuận tiện trong tưới tiêu, giúp tăng năng suất đáng kể so với cách làm đất bằng cơ giới thông thường.
Nhưng đến bây giờ, sau hàng chục năm, những công nghệ hiện đại, lợi ích như vậy vẫn không được phát triển vì diện tích đất của bà con nông dân nhìn chung còn nhỏ quá, không áp dụng thiết bị này được. Sau khi làm lúa không còn lời như trước vì giá lúa liên tục giảm, ông Sáu Đức chuyển sang sản xuất lúa giống rồi trồng cỏ nuôi bò. Việc nuôi bò được ông Đức tính toán cẩn thận bằng cách tận dụng rơm rạ, phụ phẩm của cây lúa để làm thức ăn cho bò. Nhờ vậy mà việc nuôi bò của ông cũng đạt hiệu quả cao, với đàn bò lên đến cả ngàn con mà ông có thể hợp tác với các doanh nghiệp (DN) giết mổ để tạo đầu ra. Ngoài việc tự nuôi, ông Sáu Đức còn hợp tác với bà con xung quanh giao con giống cho họ nuôi, chuyển giao kỹ thuật đảm bảo đầu ra cho họ.
| | Thái Lan xây dựng cánh đồng siêu lớn Trong khi VN còn đang loay hoay với việc tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn thì tại Thái Lan, Chính phủ nước này đã và đang xúc tiến hỗ trợ nông dân xây dựng cánh đồng siêu lớn. Mục tiêu của chính sách này nhằm tăng tính cạnh tranh của nông sản Thái trên thị trường thế giới, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất. Theo Bangkok Post, Bộ Thương mại Thái Lan vừa ký một biên bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp - Hợp tác và Bộ Nội vụ nhằm mục tiêu phát triển 426 cánh đồng siêu lớn, trải rộng trên 128.000 ha trong năm 2016, với thiết bị hiện đại ứng dụng trong quá trình sản xuất. Danh sách các nông dân tham gia sẽ được tổng hợp, mỗi nông dân tham gia kế hoạch có thể vay đến 5 triệu baht với lãi suất 0,01% từ Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác nông nghiệp (BAAC). Bộ Thương mại có trách nhiệm marketing và bán gạo, tìm người mua chủ yếu là các nhà xay xát và các HTX nông nghiệp địa phương. Chính phủ Thái Lan cũng đã phê chuẩn gói cho vay 3,25 tỉ baht thông qua BAAC cho các dự án cánh đồng siêu lớn giai đoạn 2017 - 2019. Tính đến ngày 7.9.2016, đã có 386 cánh đồng lúa siêu lớn đang được triển khai trên diện tích 80.000 ha, với 57.775 nông dân tại 66 tỉnh đang tham gia dự án. Chính phủ hướng đến mục tiêu mở rộng chương trình lên 1.000 cánh đồng siêu lớn trong năm 2017. Nguyễn Trực | | |
Hay một trường hợp khác là tổ hợp tác trồng lúa Nhật ở H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ở đây, tiên phong là một vài ông nông dân có diện tích đất mỗi người vài chục héc ta, họ được DN chọn để sản xuất lúa giống Nhật. Sau nhiều vụ làm ăn có lời nhờ DN bao tiêu, nhiều bà con nông dân xung quanh xin tham gia tổ sản xuất này. Trong mô hình này cả nông dân và DN đều được lợi.
Còn khá nhiều trường hợp như thế ở các tỉnh ĐBSCL, tất cả họ đều là những người làm ăn chân chính với khát vọng đổi đời, làm giàu trên chính mảnh vườn thửa ruộng của mình; làm giàu cho bản thân và những người xung quanh. Họ đều được tôn vinh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
* Nhưng làm sao họ có thể sở hữu được nhiều đất đai như vậy khi luật hiện hành không cho phép?
Đây chính là vấn đề của mọi vấn đề. Bản thân những nông dân đó là người mê đất. Họ mê đất ở đây không phải vì muốn sở hữu nhiều đất để giao lại cho người khác canh tác rồi thu tô với giá cắt cổ theo kiểu “ngồi mát ăn bát vàng”. Mà họ muốn có được một diện tích đất đủ lớn để làm cho thỏa sức của họ. Họ làm việc bằng cái đầu chứ không phải bằng chân tay. Đối với những người này làm vài ba chục công chẳng là gì và họ phải làm nhiều để bảo đảm kinh tế gia đình, con cái được học hành tử tế.
Thế nhưng luật hiện hành lại không cho họ cái quyền được sở hữu quá 3 ha. Họ phải nhờ người thân trong gia đình, bà con dòng họ, bạn bè đứng tên giùm. Việc này chính quyền địa phương, chính quyền cấp tỉnh đều biết nhưng họ “mắt nhắm, mắt mở” cho qua để tạo điều kiện cho bà con làm ăn. Và tôi nghĩ đó là hành động “làm ngơ” có trách nhiệm. Những nông dân lách luật này họ đều là nông dân sản xuất giỏi được chính quyền các cấp khen thưởng. Khi có lãnh đạo T.Ư về thì chính quyền địa phương đều đưa đến những mô hình này để tham quan.
Xã hội chúng ta đang tồn tại mâu thuẫn như vậy và muốn phát triển thì phải hợp thức hóa cho họ giải quyết mâu thuẫn đó vì về lâu dài, cách này có thể khiến họ gặp rủi ro.
Phải sửa Luật đất đai
* Ý của GS là muốn sửa lại luật Đất đai vừa mới sửa đổi?
Đúng vậy. Không còn cách nào khác. Mấy năm trước khi Quốc hội sửa luật Đất đai, nhiều người đã đặt kỳ vọng VN sẽ có một sự cởi mở hơn trong vấn đề được xem là nhạy cảm này. Tôi biết, trong số những người kỳ vọng không chỉ có nông dân, nhà khoa học mà cả lãnh đạo nhiều tỉnh, thành. Thế nhưng chúng ta vẫn cho dàn hàng ngang 3 ha... cùng tiến. Luật Đất đai mới ra đời đã không theo kịp thực tế xã hội. Bây giờ chính người dân đã đề cập trực tiếp đến vấn đề này thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cần nên nghiêm túc xem xét.
Việc sửa đổi luật Đất đai sẽ mang đến nhiều cái lợi: Thứ nhất, để tạo lòng tin cho người dân an tâm đầu tư phát triển. Thực tế hiện nay là nông dân giỏi không thể mở rộng sản xuất, còn những người thích làm nông lại bị “trói” vào đất. Thứ hai, để nâng nền nông nghiệp của VN lên tương đương với các nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tự do hiện nay, từ đó mới có thể tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh. Thứ ba, để có thể thu hút DN trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển nông nghiệp.
Các nước trong khu vực người ta đều có chính sách cho người dân tích tụ ruộng đất vì đó là xu hướng, là quy luật phát triển không thể khác. Ở Thái Lan, nông dân sở hữu diện tích đất trung bình là 10 ha. Mới đây họ còn xây dựng một cơ chế hỗ trợ vốn, kỹ thuật để nông dân có thể xây dựng cánh đồng “siêu lớn” nhằm tăng thêm khả năng cạnh tranh của nông sản nước này.
Tôi đề nghị chúng ta nên mạnh dạn cho nông dân tích tụ ruộng đất. Chúng ta muốn tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân, muốn phát triển nông thôn thì phải sửa lại luật.
* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng dân số VN ở nông thôn còn nhiều, trình độ lao động nông thôn chưa cao nên mở ra để người dân tích tụ ruộng đất có thể tạo ra những sự bất bình đẳng trong xã hội?
Suy nghĩ đó cũng không phải không có lý, tuy nhiên nó cũng phản ánh sự câu nệ trong suy nghĩ về mối quan hệ địa chủ - tá điền như đã nói ở trên. Thử hỏi, tại sao Công ty Hoàng Anh Gia Lai lại sang Lào trồng mía mà không trồng ở VN? Vì VN đâu có miếng đất nào 6.000 ha cho họ trồng. Mà DN làm ăn lớn họ phải áp dụng cơ giới hóa, diện tích manh mún làm sao thực hiện được. Theo tôi, ngoài việc cho những nông dân giỏi tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn thì còn phải tạo những cơ chế phù hợp để DN tham gia dồn điền đổi thửa. Ví dụ ở các vùng biên giới, đồng bào dân tộc nghèo không có kiến thức kinh nghiệm sản xuất, họ cũng không có khả năng tích tụ ruộng đất thì xây dựng cơ chế dồn điền đổi thửa. Theo đó nông dân vẫn là chủ đất, DN là chủ đầu tư. DN sẽ quy hoạch đất phù hợp với mục đích sản xuất của họ và người dân sẽ tham gia ngược lại vào quá trình sản xuất đó với vai trò vừa là cổ đông góp vốn (bằng đất) và vừa là công nhân. Đó là mô hình DN nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông dân được tập huấn để làm việc và lãnh lương theo lao động và chia cổ tức theo diện tích đất góp. Đây là cách vừa phát triển nông nghiệp vừa bảo đảm công tác chăm lo đời sống cho đồng bào ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc.
* GS đánh giá như thế nào về khả năng sẽ có một sự cởi mở hơn về tích tụ ruộng đất trong thời gian tới?
Nếu chúng ta sản xuất lớn thì chi phí sản xuất thấp; nếu có lượng hàng lớn sẽ không bị ép giá và sẽ được lợi nhuận cao hơn sản xuất nhỏ lẻ. Trong nông nghiệp cũng vậy, sản xuất lớn nông dân sẽ lời nhiều và họ sẽ đóng thuế nhiều hơn nên GDP của địa phương sẽ tăng. Mà GDP của địa phương tăng thì cả nước cũng tăng và nhà nước có tiền đầu tư lại cho nhu cầu an sinh xã hội. Nếu chúng ta không thay đổi, nông nghiệp không phát triển, nông dân vẫn nghèo thì nhà nước vẫn nghèo và xã hội không phát triển được. Chúng ta bị cuốn vào vòng luẩn quẩn đó mãi.
Tôi thấy gần đây các vị lãnh đạo cấp cao đã có những tuyên bố mạnh mẽ về tầm quan trọng của DN, cam kết hỗ trợ DN phát triển. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đã có những tuyên bố hỗ trợ, khuyến khích phát triển các HTX kiểu mới… Đó là những bước đi rất hay, phù hợp với tình hình thực tế. Có DN mạnh, có các HTX kiểu mới sản xuất quy mô lớn thì tôi tin nông nghiệp VN sẽ nhanh chóng thay đổi.
Tôi cho là bước đi tiếp theo để phù hợp với những bước đi đầu tiên này chính là việc sửa lại luật Đất đai. Việc này đã chậm trễ so với nhu cầu thực tế của xã hội nên cần phải làm nhanh.
Tăng quyền sở hữu gấp 10 lần hiện nay Nhà nước chỉ cho nông dân sở hữu 3 ha, với chi phí cuộc sống như hiện nay, một hộ 3 nhân khẩu là không đảm bảo nói gì đến chuyện cho con cái ăn học rồi tái đầu tư trở lại cho sản xuất. Đặc biệt bây giờ lợi nhuận làm lúa ngày càng giảm nên người ta phải làm lúa liên tục trong năm để có đồng tiền xoay xở, chứ thật ra làm như vậy không có lời. Để nông dân sống được trên chính mảnh đất của mình, phải tăng quyền sở hữu lên gấp 10 lần hiện nay, tức 30 ha. Bản thân mình, tôi muốn sở hữu 100 ha. Với diện tích như vậy nông dân rất dễ dàng đầu tư cho cơ giới. Nếu ít hơn con số này nông dân không có lợi nhuận tích lũy để đầu tư và cũng không dám đầu tư vì không đạt hiệu quả so với nguồn vốn bỏ ra. Ông Nguyễn Thành An (Chủ nhiệm HTX sản xuất lúa Nhật ở Thoại Sơn, An Giang) Xu hướng tất yếu Ông bà mình nói “một người tính bằng chín người làm”, tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn là quy luật xu hướng sẽ phải đến. Tôi nghĩ, trong vài năm nữa khi tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm dần, dù có muốn hay không, theo quy luật tự nhiên, tích tụ ruộng đất cũng diễn ra. Tuy nhiên, hiện nay số người sống ở nông thôn gần 70%, số lao động trong nông nghiệp cũng đến 20 - 25%, còn quá cao. Tích tụ ngay bây giờ thì tạo ra sự phân biệt đối xử, người nghèo người ta không đủ sức cạnh tranh người giàu. GS-TS Bùi Chí Bửu (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) Nghiên cứu mô hình HTX kiểu mới Việc người dân mong muốn tích tụ ruộng đất để sản xuất là xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống, xu thế phát triển. Tuy nhiên việc này đang “vướng” quy định của pháp luật nên chúng tôi đang nghiên cứu triển khai các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, mô hình DN nông nghiệp. Ở đó, nông dân có thể góp vốn bằng đất, họ sẽ vừa có thu nhập từ lao động của mình và được chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp đất. Ông Võ Thành Thống (Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ) |
Chí Nhân (thực hiện)
Nguồn: thanhnien.vn