Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, ngoài việc làm gia tăng hiệu quả kinh tế còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ tác hại của thiên tai.
Do đó, các địa phương cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra cây trồng rừng có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để nông dân đưa vào các chương trình trồng rừng gỗ lớn tạo nguyên liệu đa dạng cho chế biến gỗ hiện nay; triển khai đề án theo phương châm không chạy theo thành tích mà đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu...
Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp đã trình bày một số nội dung cơ bản của Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Mục tiêu chung của Đề án nhằm phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh.
Cụ thể, định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp sẽ thực hiện trên các nội dung: Cơ cấu các loại rừng; nâng cao giá trị gia tăng của ngành; điều chỉnh, rà soát, sắp xếp các loại hình tổ chức quản lý rừng; huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính; phát triển theo vùng kinh tế - sinh thái lâm nghiệp.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để đại diện một số tỉnh, thành trên toàn quốc tham gia phát biểu tham luận với nhiều nội dung xung quanh các vấn đề như giải pháp đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị; một số mô hình sản xuất lâm nghiệp hiệu quả kinh tế cao cần nhân rộng; sản xuất cung ứng giống cây rừng chất lượng cao…
Ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị kiến nghị: “Để đảm bảo phát triển nghề trồng rừng gỗ lớn, người nông dân cần vốn ở mức độ dài hạn. Chính vì vậy, ngân hàng nên đưa vào điều khoản thế chấp đất rừng thay bằng nhà ở”.
Vấn đề giống cây trồng chất lượng cao cũng được các đại biểu quan tâm. Bà Phạm Thị Hạnh - Giám đốc DN dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh (Bình Định) cho biết, DN cung ứng trên 6 triệu cây giống/năm. DN đã áp dụng KHCN nuôi cấy mô vào sản xuất các giống cây như keo, bạch đàn có hiệu quả cao. Từ đó giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, rừng trồng có hiệu quả hơn, cho thu nhập cao.
Liên quan đến chính sách đất đai, ông Lê Văn Đốc - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho rằng cần phải khẩn trương tổ chức việc rà soát 3 loại rừng để có quy hoạch sát với điều kiện đặc thù từng địa phương. Trên cơ sở đó, xem xét kỹ thế mạnh cây trồng của từng vùng để tạo điều kiện phát triển và tăng hiệu quả từ ngành LN.
Đến năm 2015, Thanh Hóa phát triển gần 28 ngàn ha rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Từ năm 2020 phát triển ổn định gần 56 ngàn ha rừng trồng kinh doanh gỗ lớn với các loại cây keo tai tượng, láy hoa, xoan, sao đen…
“Đối với cây luồng, Thanh Hóa xây dựng vùng thâm canh tập trung gần 30 ngàn ha. Giai đoạn tiếp theo phát triển lên quy mô gần 40 ngàn ha tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến và nâng cao giá trị cây luồng, tạo thu nhập cao cho nông dân” - ông Lê Văn Đốc cho biết.
Tại hội nghị, các địa phương cũng đã đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2020.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Tái cơ cấu nghành LN trong năm qua đã thu được những kết quả khả quan. Nghề rừng muốn phát triển sản xuất phải có hiệu quả”.
Bộ trưởng cũng đưa ra 7 nhiệm vụ để ngành LN triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm tăng hiệu quả của việc tái cơ cấu. Trong đó, một số nhiệm vụ được đặt ra như các địa phương khẩn trương hoàn thành đề án tái cơ cấu nghành LN; bố trí và có quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất; xây dựng các mô hình có thu nhập 200 triệu đồng lên 450 triệu đồng, 1 tỷ đồng… đối với rừng trồng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao…
Tâm Phùng
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn