Tầng lớp nông dân doanh nhân
Kinh tế phát triển, các ngành sản xuất có giá trị tăng thêm sẽ phát triển và nhu cầu tiêu dùng lúa gạo trên đầu người sẽ giảm xuống (nhờ thu nhập tăng lên, người tiêu dùng sẽ ăn nhiều thực phẩm khác ngoài gạo như thịt, cá… hơn), nên tỷ trọng đóng góp của ngành lúa gạo trong nền kinh tế nông nghiệp sẽ giảm dần. Do vậy, sau thời gian dài phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng sản xuất và xuất khẩu là mục tiêu, nay đến lúc phải phát triển theo chiều sâu, hướng về chất lượng, hiệu quả hơn. Sự phát triển các ngành kinh tế khác đã thu hút một phần lớn lực lượng lao động nông nghiệp trẻ, người trồng lúa còn lại là thành phần lớn tuổi nên cần hiện đại hóa ngành lúa gạo, tái cơ cấu ngành hàng này trở nên hiệu quả, cạnh tranh hơn mới có thể thu hút lao động trẻ nông thôn quay về làm nông nghiệp, qua đó hình thành lớp nông dân mới sản xuất lúa có tay nghề và kỹ năng kinh doanh, nông dân cũng là doanh nhân.
Điều này càng cấp bách hơn khi sự cạnh tranh trong xuất khẩu gạo giữa các nước ngày càng gay gắt, với sự tham gia của những quốc gia đầy tiềm năng như sự trở lại của Myanmar - từng là đất nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, hay như Campuchia với cách làm bài bản ngay từ đầu khi có thương hiệu rõ ràng và xuất khẩu vào những thị trường khó tính với giá trị cao.
Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. Ảnh: CAO THĂNG
Vì vậy, sau rất nhiều lần hội thảo, viết đi viết lại cho phù hợp, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Danh Định cho biết, đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo sẽ được bổ sung chỉnh sửa lần này và gửi Bộ NN-PTNT xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030: Đảm bảo lợi nhuận người trồng lúa hàng hóa phải từ 30% trở lên; tỷ lệ gạo xuất khẩu chất lượng cao (gạo thơm/gạo đặc sản, gạo 5%, 10%, gạo Japonica) đạt 60% - 70% tổng lượng gạo xuất khẩu, trong đó gạo thơm hay đặc sản chiếm 20% - 30%; diện tích lúa gạo đạt GAP (sản xuất tốt) chiếm 50% diện tích vùng lúa sản xuất hàng hóa để xuất khẩu đến năm 2020 và 80% năm 2030; cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất đến sau thu hoạch đạt 70% năm 2020 và 80% vào năm 2030; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch dưới 8% năm 2020 và còn 6% ở năm 2030; giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ sản xuất lúa giảm 6% so với hiện nay ở năm 2020 và 20% vào năm 2030.
“Làm hoài vẫn không tới!”
Đó là phát biểu bên lề hội thảo của lãnh đạo ngành nông nghiệp một trong những địa phương đi đầu ở vùng ĐBSCL. Không phải bây giờ những người trong ngành mới nhận ra cần phải thay đổi hay tái cơ cấu, nhưng… làm hoài vẫn không tới (!?). Tại buổi góp ý về tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, tổ chức ở TPHCM tuần qua, các ý kiến đều cho rằng, đó là điều phải làm và xác định vai trò đầu tàu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần lấy thị trường làm chuẩn để định hướng, thông qua việc nhà nước có cuộc khảo sát thị trường gạo thế giới bao quát, đầy đủ để xác định thế mạnh và phân khúc thị trường mà hạt gạo Việt có thể cạnh tranh hay mở hướng đột phá. Qua đó, làm cơ sở cho việc tái cơ cấu lại ngành hàng này, không thể tái cơ cấu từ ý muốn chủ quan khi hoạch định tầm nhìn.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2), nhấn mạnh 3 vấn đề cốt lõi cho tái cơ cấu là giống, hệ thống canh tác và việc phát triển hậu cần (logistis), đặc biệt là cho vùng lúa trọng điểm ĐBSCL, khu vực chiếm hơn 90% sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu. Bộ NN-PTNT cần sớm công bố tiêu chuẩn hạt gạo đạt chuẩn quốc gia (như Jasmine…) để có cơ sở xác định. Để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn tham gia, nhà nước cần nâng cấp trang thiết bị xét nghiệm. Muốn xuất vào Nhật Bản phải xem xét trên 600 chỉ tiêu, nhưng hầu hết các chỉ tiêu này doanh nghiệp phải đưa nước ngoài kiểm định, mất thời gian và chi phí cao. Cũng vì không thể kiểm định trước nên năm 2014, một thành viên trong Vinafood2 đã bị lỗ 4 tỷ đồng do hàng bị trả về vì không đạt các chỉ tiêu FDA của Mỹ đưa ra. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo muốn mở rộng thị trường mới nhưng rất “hồi hộp”, do chưa thể quản lý được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt gạo.
Vấn đề tổ chức sản xuất, điểm yếu cốt tử để làm cánh đồng lớn là nông hộ quá nhỏ. Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Ngọc Trời, đơn vị mở đầu khái niệm “cánh đồng mẫu lớn” thừa nhận: Không thể làm xuể nếu ký với từng hộ nông dân. Vấn đề giao thông nói riêng và logistis nói chung cần phải được đầu tư để giúp nâng cao cạnh tranh hạt gạo, trong đó giao thông (thủy, bộ) là rất quan trọng. Nếu hạt gạo được xuất khẩu ngay tại cảng biển ở ĐBSCL sẽ giúp giảm 4 - 12USD/tấn so với việc vận chuyển lên TPHCM để xuất khẩu, nhưng hiện nay chỉ có tàu dưới 10.000 tấn mới có thể vào cảng, trong khi khu vực nội địa bên trong tàu vài chục ngàn tấn vẫn lưu thông. Tắc ngay tại cửa để ra “biển lớn”. Nhưng điều băn khoăn của các địa phương và doanh nghiệp là làm sao các chính sách phải đi vào cuộc sống; hiện nay nhiều chủ trương, chính sách dù đã ban hành nhưng không thể thực hiện. Nghị định 62 về liên kết và tiêu thụ sản phẩm là một ví dụ điển hình. Theo bà Tô Thị Bích Loan, Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp, là địa phương đi đầu về liên kết, nhưng từ khi có Nghị định 62 ra đời, Đồng Tháp vẫn chưa thể mở rộng thêm diện tích!
Theo CÔNG PHIÊN/sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn