Cơ cấu lại sản xuất Nói về những thành tích của ngành nông nghiệp Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Không ai có thể phủ nhận vai trò trụ cột, bệ đỡ của ngành nông nghiệp đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước những năm qua. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu là do nông nghiệp Việt Nam quá nhiều năm phát triển theo chiều rộng thông qua tăng vụ, tăng diện tích, thâm dụng tài nguyên nên tác động xấu đến môi trường khiến hiệu quả thu lại là rất bấp bênh... Do đó, ngành nông nghiệp cần cấp tốc tái cơ cấu theo hướng, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Muốn đem lại giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp không thể áp dụng lối sản xuất cũ mà phải chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích đất lúa, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT Phạm Đồng Quảng khẳng định. Theo ông Quảng, những nơi trồng lúa trước đây có thể tập trung cho những cây đem lại giá trị lợi nhuận cao như cây cao su, chè, hoa, ngô…Bởi dù là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam đã phải dùng rất nhiều tỉ đô để nhập khẩu những sản phẩm này. Nghịch lý nước nông nghiệp nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp cần sớm chấm dứt. Về chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, quan điểm tái cơ cấu đối với khu vực chăn nuôi phải theo hướng nâng cao hiệu quả trang trại, nhưng vẫn phải quan tâm đến chăn nuôi nông hộ vì hộ gia đình làm kinh tế nông thôn còn chiếm tỷ lệ lớn, không phải một sớm một chiều có thể thay đổi được. Việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cũng cần được chú trọng theo hướng, tính toán đủ số lượng đàn bò, lợn, gia cầm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tương tự, việc tái cơ cấu cũng được đẩy mạnh trong lĩnh vực lâm nghiệp. Theo đó, sẽ không chạy theo mục tiêu phủ được bao nhiêu diện tích đất trống, đồi trọc mà phải giúp dân sống được từ nghề rừng. Đặc biệt, cần trồng những loại cây có hiệu quả cao, phù hợp với khí hậu từng địa phương cũng như tìm cách lo đầu ra để tăng thu nhập cho người dân. Vấn đề tái cơ cấu đối với những sản phẩm thủy sản cũng được quan tâm đặc biệt theo hướng: Đánh bắt phải xa bờ, nuôi trồng phải chú ý môi trường, nhất là đầu tư chế biến phải sâu hơn để nâng cao giá trị của ngành. Tái cơ cấu là phải để nông dân kiếm được nhiều tiền nhất thông qua sản xuất Ảnh: Hoàng Long Làm cho dân có lãi nhiều nhất Với phương châm cái gì đem lại lợi nhuận nhiều nhất cho dân thì làm, người đứng đầu ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các sở, ngành đơn vị liên quan luôn phải tự đặt ra câu hỏi và tự trả trả lời rằng "làm cái gì có lợi nhất, được nhiều tiền nhất cho dân thì cố gắng làm”. Tiến sỹ Đặng Kim Sơn-Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn đề xuất, trên cơ sở phát triển đề án chung và rà soát quy hoạch thì ngành nông nghiệp cần tập trung tổ chức lại sản xuất. Kinh tế nông hộ từng mang lại hiệu quả cho sản xuất song đã đến lúc không thể duy trì mà cần nhanh chóng thay thế mô hình kinh tế nhỏ lẻ manh mún sang các hình thức hợp tác liên kết bằng việc hình thành các hiệp hội, tổ hợp tác, hợp tác xã và có sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp. Nếu các khâu sản xuất không được kết dính lại thành chuỗi cung ứng sản phẩm để Nhà nước vừa kiêm nhiệm vai trò định hướng, điều phối, phân phối sản phẩm để nông sản Việt trở thành hàng hóa không thể thiếu trên chuỗi cung ứng toàn cầu thì ngành nông nghiệp khó mà cất cánh. Về ý kiến đóng góp của Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nêu rõ, bản chất của tái cơ cấu nông nghiệp là tập trung vào những lĩnh vực mang lại cho người dân có nhiều lợi nhuận nhất, nghĩa là phải để nông dân kiếm được nhiều tiền thông qua sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đang triển khai tái cơ cấu theo gợi ý của các chuyên gia tâm huyết với ngành. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, thực hiện tái cơ cấu là nhiệm vụ lớn, vừa là một quá trình, vừa là mục tiêu của ngành và có nhiều khó khăn đòi hỏi cần sự quyết tâm cao. Ông Cao Đức Phát cũng hy vọng người dân sẽ ủng hộ những việc mà Bộ NN&PTNN đang nỗ lực làm. Bởi tái cơ cấu không chỉ là việc làm một chiều của các ngành chức năng mà phải dựa vào dân và vì lợi ích của nông dân. Tái cơ cấu nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung chỉ thực sự thành công khi có sự tham gia đồng thuận của người dân. Lục Bình |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn