Nhờ dự án hỗ trợ bò sinh sản của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, 50 hộ nghèo của 5 xã đặc biệt khó khăn ở huyện vùng cao biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa) đang dần thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Thoát nghèo nhờ bò dự án
50 hộ dân nghèo ở các xã Hồi Xuân, Phú Nghiêm, Phú Sơn, Hiền Chung và Hiền Kiệt (Quan Hóa) được tham gia Dự án hỗ trợ bò sinh sản (ngân hàng bò) từ cuối tháng 11.2013. Từ khi được nhận con bò sinh sản về nuôi, bà Lộc Thị Phọi ở bản Pheo, xã Hiền Chung phấn khởi lắm.
“Nhờ có Nhà nước hỗ trợ, mà gia đình tôi có được con bò cái để nuôi. Tôi thấy mừng lắm, nên dặn dò các con trong nhà phải chăm sóc bò thật tốt để nó sinh sản ra bê con cho gia đình. Những hôm trời rét đậm, gia đình tôi không cho bò vào rừng ăn mà nhốt ở nhà rồi cắt cỏ và sưởi ấm cho chúng nó đấy” - bà Phọi cho biết.
Người dân xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa nhận bò dự án do Nhà nước hỗ trợ.
Cùng chung tâm trạng như bà Phọi, ông Vi Văn Thông cũng ở xã Hiền Chung cho hay: Khi được nhận bò về, cả gia đình đều phấn khởi. Hiện nay, con bò của gia đình ông đã sinh được một chú bê rồi. Ông dặn các con phải chăm sóc chúng thật tốt, để khi bê được 6 tháng thì bàn giao lại cho Ban quản lý dự án. Từ lứa sau trở đi, thì gia đình ông được quyền sở hữu cả bò mẹ lẫn bê.
“May mà có dự án bò của Nhà nước hỗ trợ, nên gia đình tôi mới có điều kiện để phát triển kinh tế. Rồi đây, gia đình tôi sẽ dần thoát nghèo nhờ con bò dự án của Nhà nước đấy chú à!”- ông Thông nói.
Sẽ nhân rộng mô hình
Theo bà Phạm Thị Thuận- Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Quan Hóa, quy định của Ban quản lý dự án hỗ trợ bò sinh sản của huyện là nếu mỗi con bò sinh sản được bàn giao cho người dân, khi sinh bê cái thì chủ hộ phải nuôi 6 tháng rồi chuyển cho 1 hộ nghèo khác. Sau đó, từ con thứ 2 trở đi, hộ dân ấy sẽ được sở hữu cả bò mẹ lẫn bê.
Còn nếu con bò dự án sinh ra bê đực, thì chủ hộ cũng phải chăm nuôi 6 tháng rồi giao cho Ban quản lý Dự án “ngân hàng bò” của huyện bán thanh lý, gia đình nuôi sẽ được hưởng 50% giá trị con bò, 50% còn lại gửi tiền vào quỹ ngân hàng bò của huyện để tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nghèo khác.
“Trong tổng số 50 con bò dự án (đợt 1) đã bàn giao cho các hộ dân nghèo và cận nghèo ở 5 xã trên, đến nay đã có 2 con bò sinh sản, một số con đã mang thai. Đây là tín hiệu đáng mừng để phát triển “ngân hàng bò” của huyện trong thời gian tới, giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống”- bà Thuận cho biết.
"Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục bàn giao 50 con bò (đợt 2) cho người dân trong huyện. Sau đó, sẽ tiến hành tích lũy “ngân hàng bò” để nhân rộng mô hình này ra các xã khác trong toàn huyện”.
Bà Phạm Thị Thuận
Để thực hiện dự án hỗ trợ bò cho người dân, huyện Quan Hóa đã thành lập Ban quản lý “ngân hàng bò”, với sự tham gia của Hội Nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… Nguồn vốn ban đầu của Nhà nước hỗ trợ cho dự án là 1 tỷ đồng, để mua 100 con bò sinh sản.
Sau khi tiến hành họp dân ở thôn, bản và bình xét cho các hộ dân được hưởng lợi từ dự án, Ban quản lý sẽ giao cho các hộ dân tự tìm chọn mua con bò bản địa để thuận tiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng.
Với quy định giá trị mỗi con bò dự án được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, nếu gia đình nào có thể huy động thêm nguồn vốn và mua được con bò lớn hơn, thì phải tự bỏ tiền ra. Do đó, có nhiều hộ gia đình đã huy động, vay mượn tiền của người thân, dòng họ để mua bò sinh sản có giá trị từ 12-15 triệu đồng…
Với nguồn vốn tuy nhỏ, nhưng bước đầu Dự án “ngân hàng bò” đã góp phần tạo đà giúp 5 xã đặc biệt khó khăn trên và đồng bào nghèo ở huyện Quan Hóa có thêm cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.