Nói dân nghe, làm dân tin

Trung tướng Trần Quang Phương, Chính ủy Quân khu 5, khẳng định: “Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” do Bộ Quốc phòng phát động, thời gian qua cùng với việc đẩy mạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân khu đã hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương tham gia phát triển kinh tế-xã hội, từng bước tạo sự khởi sắc về diện mạo nông thôn mới trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên”.

Bài học kinh nghiệm của những người lính Quân khu 5 là nhân rộng những mô hình điểm và mở rộng địa bàn tham gia xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn. Các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền khảo sát nắm bắt nhu cầu cấp thiết của địa phương và xác định nội dung, biện pháp tổ chức hỗ trợ. Các đơn vị được giao khảo sát, nắm tình hình các hộ nghèo trên cơ sở căn cứ vào tiêu chí “hộ nghèo phải là hộ có người lao động chính, có tư liệu sản xuất (hoặc không có tư liệu sản xuất) nhưng vì không có vốn, không có năng lực và kinh nghiệm chuyển đổi cách làm ăn để thoát nghèo”. Những hộ được chọn phải có chí thoát nghèo, không có biểu hiện trông chờ, ỷ lại.

Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi tặng bò cho gia đình anh Bùi Văn Ngọc, một hộ nghèo ở tổ 3, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi. 

 

Để từng bước giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa thay đổi nhận thức, tập tục canh tác, các đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ đến tận các thôn, buôn nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con, trên cơ sở đó đề xuất với cấp ủy, chính quyền có biện pháp tháo gỡ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân hiểu rõ nguyên nhân của sự đói, nghèo, lạc hậu; tự giác từ bỏ dần các hủ tục mê tín dị đoan, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt...

Có thể nói, cách làm của Quân khu 5 khá đặc biệt, rất cụ thể và thiết thực, nói dân nghe, làm dân tin. Các đơn vị không chỉ triển khai tốt công tác tuyên truyền, vận động, mà còn chủ động “kết nối” với các cơ quan, ban, ngành địa phương, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng “vào cuộc”.

Từ chủ trương “xóa hộ đói, giảm hộ nghèo” trong quá trình làm công tác dân vận ở các xã đặc biệt khó khăn trước đây, Quân khu 5 vận dụng chỉ đạo xây dựng gần 40 mô hình điểm về nông thôn mới. Thực tế cho thấy, tất cả những mô hình ấy đều là những cách làm sáng tạo. Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa chọn phương án giúp các xã Thành Sơn, Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn) và xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh) trồng 12.000 cây chuối, hơn 10.000 cây mít nghệ cao sản, chăn nuôi gần 100 con bò… Bộ CHQS tỉnh Phú Yên giúp nhân dân xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu củng cố hệ thống truyền thanh công cộng, đầu tư xây dựng phòng khám bệnh, khu vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Sư đoàn bộ binh 2 giúp đồng bào thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) xây dựng trụ sở thôn, tiết kiệm hàng chục tấn gạo từ “hũ gạo vì người nghèo”. Cục Kỹ thuật quân khu đầu tư 5,9 tỷ đồng xây dựng con đường nhựa hơn 3km nối từ trục đường 611 Hương An đi Quế Trung, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) tạo điều kiện cho bà con mở rộng giao thương, buôn bán…

Giúp dân hiệu quả, thiết thực

Thiếu tướng Tạ Nhân, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5, cho biết, hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đảng ủy - Bộ tư lệnh Quân khu xác định: Các tiểu đoàn đủ quân và đơn vị tương đương mỗi năm tham gia xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo ở địa bàn đóng quân. Căn cứ vào điều kiện và khả năng của mình, lực lượng vũ trang quân khu tập trung hỗ trợ các địa phương thực hiện 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bao gồm 5 nhóm nội dung: Xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; thực hiện chuyển dịch cơ cấu, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thực hiện các phong trào, công tác chính sách xã hội, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới; xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; phối hợp đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn ANCT-TTATXH, xây dựng địa bàn an toàn.

Với chủ trương “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân khu chủ động sử dụng lực lượng tại chỗ, tổ chức gần 200 đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận tại hơn 100 xã, phường với 14.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia hàng vạn ngày công lao động làm chuồng trại, hỗ trợ vốn chăn nuôi; giúp các hộ nghèo 230 con bò, 500 con heo, hàng ngàn con gia súc, gia cầm; hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi giống cây trồng được 30.000 cây keo, cây cà phê và cây mít cao sản.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân khu đã giúp các địa phương với tổng trị giá hơn 14,5 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Toàn quân khu có 32 đầu mối đơn vị giúp 530 hộ thoát nghèo (trong đó có 159 hộ hoàn vốn và làm ăn có lãi, 150 hộ thoát nghèo bền vững). 

Với khẩu hiệu “Lo cho dân như lo cho mình”, trong những năm qua, phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” đã và đang được các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5 triển khai hiệu quả.Những ruộng lúa, nương ngô trĩu hạt, những ngôi nhà mới khang trang, những con đường bê tông kiên cố, những công trình văn hóa cộng đồng bề thế... trên các vùng quê miền Trung - Tây Nguyên  thực sự  mang lại niềm vui thoát nghèo bền vững cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm đầy tình thương và trách nhiệm ấy càng thêm tôn vinh hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, góp phần tăng cường xây dựng mối đoàn kết quân - dân, xây dựng trận địa lòng dân vững chắc; giúp địa phương ổn định tình hình kinh tế, chính trị xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh.

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG/qdnd.vn