Bộ mặt xã đổi thay nhờ chương trình nông thôn mới
Hỗ trợ xóa nhà tạm
Là xã đảo duy nhất tại thành phố có tốc độ phát triển kinh tế năng động nhất cả nước nhưng Thạnh An lại tương đối nghèo. Toàn xã có gần 1.159 hộ với khoảng 5.000 nhân khẩu, nhưng chiếm tới trên 50% là hộ nghèo và cận nghèo. Ông Huỳnh Anh Tuấn - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh An - cho biết, kinh tế của xã chủ yếu dựa vào phát triển nông ngư nghiệp như đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và làm muối. Dù còn khó khăn nhưng chính quyền xã vẫn quyết tâm xây dựng nông thôn mới. Trước khi phê duyệt đề án xây dựng NTM chỉ đạt 5/19 tiêu chí nhưng đến nay xã đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ đạt 16/19 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí là trường học, thu nhập và hộ nghèo sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm 2015.
Để có được kết quả như trên ngoài sự quan tâm của chính quyền thành phố, phải kể đến sự hỗ trợ đóng góp không nhỏ của EVNHCMC trong việc xây dựng hệ thống điện và xóa nhà tạm. Cụ thể, trong năm 2014, EVNHCMC đã hỗ trợ xây mới 70 căn, sửa chữa 58 căn với tổng giá trị gần 5 tỷ đồng. Đết hết tháng 10/2014, toàn xã đã hoàn thành được 72 căn nhà, trong đó có 55 căn xây mới và 17 căn sửa chữa, số còn lại dự kiến khởi công trong tháng 11/2014 và phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Bà Võ Thị Sàng - một cư dân ở ấp Thạnh Hòa xúc động chia sẻ, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, trước đây phải ở nhà tạm vào mùa mưa bị dột thấm, nhiều khi nước tràn vào nhà, nhưng từ khi được chuyển sang nhà mới do ngành điện hỗ trợ nên vui lắm.
Ông Huỳnh Văn Tuấn Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh An: Sự hỗ trợ của ngành điện không chỉ giúp xã đảo hoàn thành các tiêu chí về NTM mà còn góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại đây. |
Sẽ đầu tư cấp điện lưới quốc gia
Hiện nay, người dân xã Thạnh An đã được cấp điện, trong đó có 2 ấp là Thạnh Hòa, Thạnh Bình được dùng điện chạy dầu diesel do EVNHCMC quản lý nhưng do điều kiện hạn chế nên chỉ cung cấp được 18 giờ/ngày. Riêng ấp Thiềng Liềng sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, chủ yếu phục vụ sinh hoạt của người dân. Đây cũng là chương trình đầu tư của EVNHCMC từ năm 2009. Ông Nguyễn Thanh Phương - Phó giám đốc Công ty Điện lực Duyên hải - cho biết, sản lượng điện của xã đảo không cao, chỉ khoảng 1,3 triệu kWh/năm, vì người dân chủ yếu dùng điện cho mục đích sinh hoạt. Với chi phí phát điện bằng dầu diesel khá cao nên hàng năm EVN HCMC luôn phải bù lỗ hàng tỷ đồng. Đơn cử như năm 2011, tổng công ty bị lỗ 6,8 tỷ đồng, giai đoạn từ 2008 đến nay, lỗ tăng bình quân 36%/năm, tương đương tăng lỗ gần 2 tỷ đồng/năm.
Để hạn chế khó khăn cho xã đảo, tạo điều kiện cho cư dân phát triển kinh tế, EVNHCMC đã và đang triển khai dự án cấp điện bằng cáp ngầm ra xã đảo Thạnh An với tổng mức đầu tư trên 167 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Dự án gồm nhiều hạng mục, trong đó sẽ xây mới 2 trạm ngắt 22kV Tắc Xuất và Thạnh An; xây dựng một mạch cáp ngầm 22kV dưới biển với chiều dài khoảng 5,8km, từ trạm Tắc Xuất đến trạm Thạnh An; 1 mạch cáp ngầm 22kV trên cạn (dài khoảng 160m) từ trạm ngắt Tắc Xuất đến lộ 473 Thùy Vân và đường truyền cáp quang 24 sợi kết nối từ trạm Tắc Xuất về trạm 110kV Cần Giờ. Hiện EVNHCMC đang chuẩn bị các điều kiện thủ tục cần thiết để khởi công dự án vào tháng 12/2014, phấn đấu đến 30/4/2015 sẽ hoàn thành đóng điện công trình.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn